“Bay” 10 tỉ đồng để nuôi một thương hiệu sách

09:01:00 17/08/2014

(TBKTSG) - Trước năm 2008, độc giả Việt Nam mê cái nổi loạn nóng bỏng của dòng văn học linglei (một dòng văn học khác biệt so với dòng văn học chính thống) Trung Quốc biết đến một Nguyễn Lệ Chi với tư cách dịch giả tiếng Trung nhanh nhạy và thức thời.

Nguyễn Vinh

Nguyễn Lệ Chi tại hội chợ sách quốc tế Kuala Lumpur 2012.

Giới làm sách thời bấy giờ thì biết đến Nguyễn Lệ Chi với tư cách một người làm công việc khai thác bản quyền khá năng động ở Công ty Văn hóa Phương Nam. Nhưng một dạo, giới làm sách lại kháo nhau rằng, cái cô Nguyễn Lệ Chi này thực ra là người mắc chứng mơ tưởng nặng. Vì không “bệnh” thì sao lại đi mở công ty sách riêng trong thời buổi này?

Sau những biến động nhân sự tại Công ty Văn hóa Phương Nam, từ vị trí là một trưởng phòng bản quyền, đồng thời là Phó giám đốc xuất bản, cô gái gốc Hà Nội sinh năm 1976 quyết định thôi việc, đơn giản vì… không còn tìm thấy niềm vui. Ba năm lăn lộn trong giới làm sách Sài Gòn với vốn liếng kiến thức về giao dịch bản quyền tự học qua thực tế, sự trải nghiệm áp lực và kinh nghiệm quy trình xuất bản trang bị được từ Phương Nam cộng thêm hơn một năm đầu quân về Vinabook trong công việc một giám đốc xuất bản, cô nghĩ, đã đến lúc phải tìm kiếm một sân chơi riêng, ở đó mình được chuyên chú theo đuổi mảng sách văn học giải trí mà mình thực sự yêu thích.

Những gì thu nạp được từ nhà trường (cô là thạc sĩ điện ảnh - Học viện Điện ảnh Bắc Kinh) xem như đang bị cái máu me, niềm đam mê làm xuất bản bẻ hướng.

“Chibooks đã ra đời như thế, từ cái ý nghĩ có phần ngông cuồng là được làm ra những cuốn sách, dòng sách mà mình thích, khác với trước đây đi làm thuê, đôi khi phải làm vì trách nhiệm. Thời điểm đó môi trường sách không thuận lợi cho một công ty nhỏ mới ra đời. Tôi còn nhớ cuốn sách đầu tiên của Chibooks ra mắt, chính tôi phải chở đi ký gửi cho các nhà phát hành, chẳng ai chịu nhận cả, ai cũng bảo rằng, đây là một nhãn hiệu mới, “chưa từng biết tới và vì thế, không đáng tin”. Tới lúc đó, tôi mới hiểu, trong nghề làm sách ở Việt Nam, nếu bạn có kinh nghiệm, chuyên môn sản xuất thôi vẫn chưa đủ…”, Nguyễn Lệ Chi nhớ lại trở lực đầu tiên của quá trình khởi nghiệp.

Bài toán kinh doanh lúc đó được đặt lên bàn một cách minh bạch và sòng phẳng nhất: trừ các khoản đầu tư cho bản quyền, in ấn, nếu thị trường thuận lợi, sau mỗi đầu sách xuất bản, trừ chi phí phát hành, quản lý, bản quyền tác giả, dịch giả thì phía nhà sản xuất (công ty sách) chỉ kiếm được 5%. Trong khi đó, do vẫn còn dấu vết độc quyền trong phát hành, nên nhiều công ty sách nhỏ dễ dàng bị các nhà sách lớn chiếm dụng vốn. Đồng tiền bỏ ra là “nguyên khối” (mỗi đầu sách chừng 100 triệu đồng) nhưng thu vào thì “nhỏ giọt”.

Vậy là chỉ sau vài ba đầu sách đầu tiên, cô chủ Chibooks bắt đầu bán chiếc xe hơi đang đi, sau đó, là bán luôn căn hộ đầu tiên mà cô tích góp được. “Thậm chí cứ như người buôn bán nhà để nuôi sách, tôi phải đứng tên 10 căn, vừa nhà riêng, vừa là tài sản gia đình, mua đi bán lại để tiếp tục “đập” vốn vào làm sách. Tôi còn nhớ, vào thời điểm thị trường địa ốc đóng băng, nhà bán ra toàn bán lỗ so với giá mua. Tôi đến tòa soạn (Nguyễn Lệ Chi là phóng viên của tờ Thanh Niên), nhiều đồng nghiệp khuyên “đừng có đổ tâm sức vào cái việc xa xỉ ấy nữa”, về nhà thì bị cả gia đình ngăn cản. Nói thật là nhiều khi thấy cũng nóng ruột vì tiền chi ra thì nhiều mà chẳng thấy cơ hội thu hồi vốn. Nhiều khi tôi bị rơi vào tình trạng phải gom từng đồng từ các nhà sách mới có tiền cho nhà in bấm nút in sách mới”, Nguyễn Lệ Chi tâm sự.

Thừa nhận “làm sách văn học dịch nói chung là một việc xa xỉ” ở Việt Nam, nhưng “cái máu” làm sách cũng gần như máu đánh bạc, dấn vào rồi khó tìm thấy đường thoái lui, chỉ trừ phi… đoản vốn. Trong suốt thời gian đó, chật vật về nguồn vốn, nhưng Chibooks bắt đầu là thương hiệu sách tiểu thuyết giải trí lãng mạn bán chạy tìm được thị phần riêng. Bên cạnh đầu tư dịch thuật những đầu sách tiểu thuyết giải trí lãng mạn, tiểu thuyết fantasy của những tác giả đang “nóng” trên thế giới như: Rick Riordan, Kelley Armstrong, Isabel Wolff, Cassandra Clare hay Joseph Delaney… bà chủ Chibooks còn “âm mưu” làm công việc mà nhiều người làm sách Việt Nam khác không tự tin làm: làm việc với các tác giả Việt Nam để tranh thủ giới thiệu sách Việt Nam ra với quốc tế trong các kỳ hội chợ sách ở nước ngoài.

Trên trang facebook, trang web riêng của Chibooks đã bắt đầu có phản hồi sôi nổi của người đọc trung thành, đôi khi là góp ý cách làm bìa, bản dịch, việc khuyến mãi và kênh phát hành. “Khi mình thực sự xác định mình là ai trong làng sách, thì các đối tác phát hành cũng “chịu chơi” hơn. Ban đầu, thay vì bị ngâm vốn vào một số đối tác chính, bị ép tiến độ thanh toán, thì bây giờ, dòng vốn mới có sự luân chuyển nhanh hơn đôi chút”, Nguyễn Lệ Chi nói.

Sau năm năm, “bay” hết hơn 10 tỉ đồng, chủ công ty sách tư nhân Chibooks mới có thể nói với gia đình và đồng nghiệp, những người thường xuyên “phản biện” rằng, từ nay, thu chi bắt đầu cân bằng.

Chủ nhân Chibooks nói: “Tôi không phải là người kinh doanh giỏi. Vì kinh doanh giỏi thì tôi đã đi kinh doanh thứ sản phẩm khác, chứ làm sách làm gì. Ngày nay, do nhu cầu đọc phát triển và đa dạng, cho nên, trách nhiệm quan trọng của người làm sách trước hết là chọn lựa về mặt khuynh hướng. Làm sao để mỗi cuốn sách của mình đem đến cho độc giả một sự nhẹ nhàng, một suy nghĩ hay cảm xúc tích cực giữa cuộc sống đang đầy rẫy những tin xấu và bất an là điều mà tôi sẽ tiếp tục theo đuổi… Và thường xuyên cũng phải biết lắng nghe những lời kêu ca của họ để tự hoàn thiện. Đó mới là điều quan trọng. Còn những danh hiệu mà người ta có thể bỏ tiền ra để có được một sự tôn vinh nào đó thì tôi thực sự không quan tâm”.

Công ty Sách Chibooks ra đời được năm năm, đã đổi địa chỉ văn phòng vài ba lần. Lần này, là một ngôi nhà thuê nguyên căn trên đường Nguyễn Khoái, quận 4, bên dưới làm văn phòng công ty, có chỗ cho gần chục nhân viên ngồi, các tầng trên, cô chủ Chibooks sống cùng mẹ, em trai và cháu.

Chibooks đã ra hơn 200 đầu sách trong năm năm khởi nghiệp chật vật vừa qua. Cô đang ấp ủ kế hoạch cho ra một dòng sách thiếu nhi không trùng với sách thiếu nhi mà các nơi khác đã làm. Trong thời buổi mà các doanh nghiệp sách kêu ca khó khăn, giám đốc Chibooks vẫn nói vui với khách rằng: “Hàng ngày, tôi phải đi làm những thứ lẩm cẩm khác để tiếp tục nuôi mộng làm sách”.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1