Chia sẻ với PV, TS Nguyễn Thị Thu Thủy, trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì “một chương trình, nhiều bộ sách” là cách mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Trong tương lai, Việt Nam cũng cần tiến hành theo cách này để tạo ra sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng của SGK. Để làm được điều đó thì Bộ GD & ĐT cần biên soạn Chương trình chuẩn cho tất cả các môn học.
Sau khi có chương trình khung chuẩn nên cho phép nhiều cơ quan, tổ chức, nhóm tác giả, thậm chí là cá nhân được phép đăng ký biên soạn sách. Thành phần tham gia biên soạn sách phải đa dạng, ngoài các chuyên gia giáo dục thì cần có một lực lượng giáo viên phổ thông vừa vững chuyên môn, vừa sát thực tế. Các Sở GD & ĐT sẽ lựa chọn những bộ sách đã được thẩm định và được đánh giá tốt để đưa vào trường học tại địa phương.
TS. Thủy còn cho hay, cơ chế cạnh tranh về chất lượng của bộ sách, cạnh tranh về tác giả, về nhà xuất bản nếu làm tốt khâu hậu kiểm và hạn chế tối đa sự tiêu cực sẽ giúp cho giáo viên và học sinh từng bước được tiếp cận với nhiều cách tiếp cận môn học.
Tại hội thảo “Đổi mới và hiện đại hóa chương trình và sách giáo khoa (SGK) theo định hướng phát triển bền vững” mới được Bộ GD & ĐT và NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 30/10, GS Nguyễn Lộc đề xuất: Với một chương trình quốc gia nên có nhiều bộ SGK. Bộ GD&ĐT là cơ quan trực tiếp thẩm định và cho phép sử dụng nếu đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, số bộ không nên quá nhiều, có thể biên soạn các bộ theo 3 vùng: đô thị, nông thôn và vùng miền núi, dân tộc thiểu số.
|
Áp dụng nhiều bộ SGK sẽ góp phần phá vỡ tính độc quyền, tạo cạnh tranh lành mạnh trong viết sách. |
Theo GS Lộc, chương trình mới, chuẩn phải tiếp cận theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho người học, giảm mạnh đầu vào các môn học. Đồng thời thay đổi căn bản hệ thống đánh giá từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, theo đó, SGK phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Đặc biệt, để tiến hành tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình và SGK mới, cần phải coi trọng việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên vì người thầy là “máy cái” để tạo ra các sản phẩm. Bởi thầy giáo không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà sẽ tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học, tự khai thác kiến thức, vận dụng kiến thức để hình thành năng lực, phẩm chất, kĩ năng và khả năng thích ứng với môi trường.
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Kế Hào cho rằng, giai đoạn đổi mới giáo dục (triển khai năm 2002) với chỉ một bộ sách duy nhất, nhưng lại rơi vào tình trạng vừa triển khai vừa phải giảm tải mà vẫn chưa yên ổn. Hiện nay, đã phải sử dụng thêm một số tài liệu nhằm đa dạng hóa và lành mạnh hóa hoạt động dạy và học.
Theo PGS.TS Nguyễn Kế Hào, SGK có những nội dung hàn lâm làm nền tảng, đồng thời có những nội dung có tính ứng dụng giúp học sinh học để hành và qua hành sẽ học tốt hơn. Vấn đề là xử lý làm sao đảm được được sự hài hòa cân đối giữa nội dung có tính hàn lâm và nội dung có tính ứng dụng. SGK dành cho học sinh từng lớp học, cấp học có phần khác biệt bởi dấu ấn của tác giả nhưng đều phải đáp ứng được những yêu cầu, những chuẩn mực chung. Việc cụ thể hóa nội dung giáo dục thành SGK dành cho học sinh cần có tổng chỉ huy của từng cấp học và được tổ chức làm việc theo bài bản khoa học từ tổ chức nhân sự đến quy trình thẩm định, hoàn thiện bộ SGK... Đây là công việc do Bộ GD&ĐT tổ chức triển khai và chịu trách nhiệm chính, người tổng chỉ huy là Bộ trưởng. PGS Nguyễn Kế Hào cũng đề nghị mỗi cấp học cần có vài ba bộ khác nhau để học sinh, giáo viên lựa chọn.
Như vậy, việc cần có nhiều bộ SGK trong nhà trường phổ thông là một đòi hỏi cấp bách và chính đáng, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà. Nhưng bài toán này cũng đòi hỏi một sự chuẩn bị chu đáo, thận trọng, nhất là khâu xây dựng chương trình phải đạt được chương trình chuẩn, khoa học, hiện đại.
GS Đinh Quang Báo, thành viên của bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau 2015 chia sẻ rằng, phương án nào cũng có mặt mạnh mặt yếu, vì mỗi phương án chỉ tối ưu cho một bối cảnh tương ứng với các điều kiện nhất định của thực tiễn nhà trường phổ thông. Nếu chương trình chuẩn quốc gia được thiết kế đủ chi tiết và tường minh thì có thể dạy học theo các bộ SGK, tài liệu khác nhau để được được hiệu quả giáo dục đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình.
Đồng thời theo phương án này, trình độ giáo viên phải tinh thông về kĩ năng tổ chức quá trình sư phạm, trong đó năng lực phát triển, phân tích, triển khai chương trình theo các cấp độ phải cao, có thể phát hiện và giải quyết các tình huống sư phạm thông qua nghiên cứu hiệu quả tác động tới đối tượng dạy học. Mặt khác, khi áp dụng nhiều bộ SGK còn đòi hỏi một cơ chế quản lí tự chủ, tự chịu trách nhiệm với chất lượng và sản phẩm đào tạo theo yêu cầu của xã hội của các cấp quản lí giáo dục, đặc biệt là của từng nhà trường phổ thông