Người xưa đó là một ông vua, không phải là người khai nghiệp nhưng là người khởi nghiệp cho triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử nước ta, triều Nguyễn đầy hưng khởi và tai tiếng. Đó là vua Minh Mạng, người kế vị của vua Gia Long, người từng bị người phương Tây mô tả là “bạo chúa”, lại được người đời đánh giá là “nhà cải cách”; còn dân gian biết đến nhiều hơn là “thang thuốc” đầy sinh lực và hấp dẫn mang vương hiệu của ngài.
Lên ngôi báu nhờ vào tầm nhìn của vua cha Gia Long, không trao ngai vàng cho dòng đích mà trao cho người con trai thứ, tên Đảm, lên ngôi năm 1820 lấy vương hiệu là Minh Mạng (còn phát âm là: Mệnh). Ngài ở ngôi đúng hai thập kỷ (1820 - 1840) thì băng hà, để lại một triều đại phú cường nhất nhì khu vực của một quốc gia mang tên “Đại Nam” nối danh “Đại Việt”.
Là người ngưỡng mộ hoàng đế Thánh Tông triều Lê, người đứng đầu nhà nước Đại Việt cuối thế kỷ XV mà chính Minh Mạng ca tụng “Nước Việt ta mở nước bằng văn hiến, các bậc vua hiền đời trước đều có, duy Lê Thánh Tông thì không phải đời nào cũng có... Trẫm nhớ đến cổ nhân rất lấy làm kính mến” để noi theo.
Trong hai thập kỷ chấp chính, Vua Minh Mạng là người đã tiến hành việc cải cách nền hành chính của quốc gia một cách toàn diện trên một lãnh thổ đã thống nhất từ Bắc chí Nam. Là người được vua cha giao cho các bậc đại sư như Đặng Đức Siêu hay Trịnh Hoài Đức dạy dỗ từ tấm bé, lớn lên lại đọc rộng, thấm nhuần đạo Nho nhưng đề cao “pháp trị”.
Bộ “Hoàng Việt luật lệ” còn mang tên “Luật Gia Long” được vua cha ban soạn từ năm 1815 với mục đích “việc hình là để ngăn cấm giữ dân, có sáng rõ thì kẻ ngu ngoan mới biết đường đi lối tránh. Pháp luật là của chung của thiên hạ, có nhất định thì quan lại mới biết có chỗ nắm theo” nhưng phải 5 năm sau, dưới triều Minh Mạng thì luật pháp mới được đề cao và thực hiện rất nghiêm góp phần ổn định quốc gia mới qua cơn biến loạn được hơn một thập kỷ.
|
|
Ngay khi mới lên ngôi (1820), Minh Mạng đã ban dụ yêu cầu sửa sang lại cho luật khớp với đời sống theo nguyên lý: “Hình để răn đe kẻ gian, luật thì theo ý đời xưa, mà lệ thì lựa cho hợp sự nghi đời nay, theo đổi biến thông chứ không thể gắn chặt mãi được...”. Từ đó, vua Minh Mạng còn định thêm những điều luật mới nhằm điều chỉnh bộ máy quan chức của mình như định lệ chi tiết việc phân xử những sai lầm của các thuộc viên, quan lại ở kinh đô và địa phương; định lệ xử phạt tội tham quan nhũng lại, việc xử án cho nghiêm ở các địa phương... Hình phạt của vị vua này rất nghiêm trước hết đối với những cận thần của mình.
Sử chép việc những vị quan to trong triều như Phan Thanh Giản hay Trương Đăng Quế chỉ vì quá lời trong bài tụng khánh (ca tụng nhân ngày sinh) đã bị Minh Mạng phê là “bài văn vô dụng... Trẫm có thích nịnh ngoài mặt đâu. Vậy ném trả và truyền chỉ quở mắng!”. Nhiều người thân cận với vua cũng không thoát việc xử phạt nếu như vi phạm luật pháp.
Sử cũng chép năm 1830 Đề đốc Kinh thành là Nguyễn Văn Phượng sai lính vây bắt một con bò xổng chuồng, Phượng giương súng bắn chẳng may đạn trúng vào một người lính bị thương. Vua Minh Mạng biết việc, ra dụ cho Bộ Hình: “Pháp luật nghiêm ngặt... Phượng là quan võ, chức to, đánh gươm bắn súng vốn là nghề nghiệp mà lại bắn lầm phải lính... quan võ bất tài như thế còn dùng làm việc gì được”. Bộ Hình giáng chức Đề đốc xuống làm quan nhỏ, bắt bồi thường 10 lạng bạc cho kẻ bị thương.
Sử còn chép (năm 1835), hoàng tử con vua Minh Mạng là Miên Phú, đêm đến cùng với mấy đứa bạn trong phủ thuộc đều là con nhà có gia thế, phi ngựa ở phía tả Hoàng thành. Miên Phú về trước còn các bạn tiếp tục cuộc chơi thi phóng ngựa chẳng may đụng phải một bà lão bị ngựa của một đứa tên là Vâm xéo chết. Nghe tin ấy, vua Minh Mạng bèn giao cho các trọng quan trong Tôn Nhân phủ (trông nom Hoàng gia) và Viện Cơ mật (cơ quan cao nhất trong triều) điều tra, xét hỏi.
Khi thành án, kẻ gây chết bà lão bị xử trảm ngay. Những kẻ a tòng trong cuộc đua bị phát vãng sang Lao làm lính. Riêng con trai mình là hoàng tử Miên Phú dù không trực tiếp có mặt khi án xảy ra cũng bị phạt nặng: Tước mũ áo, cách bổng lộc hàng năm, đóng cửa không được đi đâu, ở nhà tự vấn, bỏ hết danh hiệu chỉ gọi bằng tên rồi phải bồi thường cho nạn nhân.
Nhà vua cho chép trong sử: “Để giữ công bằng luật quyết không có lý nghị thân (người nhà), nghị quý (kẻ giàu sang). Phàm các em và con cháu chớ nên coi khinh lấy thân để thử pháp luật. Gương sáng chẳng xa, ai nấy phải kính cẩn xem đó làm gương”.
Trong những cải cách bộ máy nhà nước dưới triều Minh Mạng là việc lập ra một cơ quan có thẩm quyền giúp vua trị nước bằng cách giám sát thanh tra bộ máy chính quyền từ trong triều đến các tỉnh, là Đô sát viện. Đó là một cơ quan độc lập (ra đời năm 1832) chỉ chịu sự lãnh đạo của người đứng đầu triều đình.
Thành viên của tổ chức này là các “đô ngự sử” ở trung ương có trách nhiệm giữ việc chỉnh đốn quan trường, giữ nguyên phong hóa và phép tắc trong tư cách và sự vận hành của các quan chức.
Ở các địa phương (16 đạo) chủ yếu là giám sát xem bộ máy quan lại có những tệ tham ô, chậm trễ trong thi hành công vụ hay làm trái pháp luật. Công cụ cũng là phương thức thực thi trách nhiệm là “cùng hặc tấu lẫn nhau”, tức là đưa ra những nhận xét, lời can ngăn để trong ngoài kiềm chế lẫn nhau và cao nhất là để nhà vua phán xét.
Cao hơn cả là quyền được can gián vua hay các chính sách mà triều đình ban bố. Theo quy định của Minh Mạng thì khi nhà vua ngự ở điện bàn về chính sự thì các khoa đạo (người của Đô sát viện) được phân đứng hầu hai bên tả hữu. Bên hữu thì chép những lời vua ban, bên tả thì ghi việc làm của đấng quân vương. Những ghi chép ấy phải ghi rõ tên người và giao cho người đứng đầu viện xem duyệt rồi giao cho Quốc sử quán thu giữ. Công văn, giấy tờ gửi về tâu với triều đình đều được sao thành phó bản để một bản giao cho các khoa đạo kiểm tra, đối chiếu để lưu trữ.
Các viên khoa đạo có quyền tâu trực tiếp lên nhà vua mà không cần qua những người phụ trách của mình. Các viên khoa đạo của Viện Đô sát còn có mặt ở các vị trí 1 uy đinh khi thiết triều, kiểm soát các trường thi và Đô sát viện còn có chức năng tham gia phúc duyệt các trọng án hình sự...
Có một điều đáng nói là tham dự vào một cơ quan có quyền lực cao như thế nhưng trong hệ thống phẩm trật và bổng lộc thì lại ở vào vị thế rất khiêm nhường, chỉ vào cỡ trung bình trong bộ máy quan lại. Chủ ý theo người xưa thì ở địa vị thấp trong hưởng thụ thì tính người sẽ thẳng mà không chịu thua ai, bổng lộc ít thì sự lo nghĩ cho bản thân và gia đình sẽ nhẹ (vị ty tắc nhân tình kích ngang, lộc thiểu tắc ái tích thân gia chi niệm khinh).
Hơn thế người xưa lại quan niệm “lấy chức quan nhỏ để kiểm soát chức quan lớn” (di tiểu quan giám sát đại quan” sẽ có hiệu ứng tâm lý khiến kẻ trên phải ngại kẻ dưới (!). Còn chính vua Minh Mạng có lời với những cơ chế do chính mình lập ra: “Viện Đô sát là chức quan can ngăn đàn hặc, vẫn được nghe có việc thì cứ nói, nhưng cũng phải đích xác có thực, thì mới có ích cho việc chính trị, ví chỉ cứ dè chừng bắt bóng, yêu nên tốt, ghét nên xấu thì việc đặt ra các chức quan ngự sử lại là có hại cho chính trị”.
Trong trang phục triều chính xưa thì miếng vải thêu đính trước ngực của các vị quan này mang hình “linh dương” (con dê thiêng) lại chỉ có một sừng biểu thị tính cách cương cường dám “làm cột đá chặn ngang dòng”... Không rõ từ chức năng đến thực tiễn ra sao trong lịch sử và với một vị quân vương luôn biết thể hiện quyền uy như Minh Mạng, các vị ngự sử này đã góp gì vào công nghiệp của nhân vật lịch sử gắn với một nước Đại Nam vào đỉnh điểm của nền quân chủ Việt Nam trước khi nó phải đương đầu với một thử thách mang tính thời đại khi chủ nghĩa thực dân phương Tây xuất hiện.
Chỉ biết rằng, kế tục sự nghiệp của các chúa Nguyễn và vua cha, vua Minh Mạng đã củng cố nền tự chủ quốc gia vươn ra cả biển Đông với tấm toàn đồ “Đại Nam Nhất thống” có hình hài và địa danh Vạn Lý Trường Sa và được thể hiện trên một trong những bài thơ được trang trọng đặt trên vách cung điện ở Huế: “Văn hiến thiên niên quốc/ Xa thư vạn lý đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường Ngu” (Đất nước có ngàn năm văn hiến/ Ngày nay đã thống nhất có hàng vạn dặm/ Kể từ họ Hồng Bàng dựng nước đến nay/ Nước Đại Nam đã trở nên thịnh vượng như đời Đường Ngu).
Đọc lại đôi điều về người xưa mới thấy thời nào, đất nước cũng cần có những người đứng đầu sáng suốt và gương mẫu, dù đó là một nhà độc tài như có người quan niệm về vua Minh Mạng.