"Cổng làng", tiểu thuyết mới về làng quê

10:00:00 28/11/2013

Nông nghiệp, nông thôn miền Bắc từ ngày hòa bình lập lại (1954) đến nay có nhiều biến động. Bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân có nhiều thay đổi.

Một số nhà văn đã đi sâu khắc họa từng mối quan hệ, từng thời điểm lịch sử để lại những ấn tượng sâu sắc trong bạn đọc như: "Cái sân gạch" (Đào Vũ), "Đất làng" (Nguyễn Thị Ngọc Tú), "Thời xa vắng" (Lê Lựu), "Bến không chồng" (Dương Hướng), "Mảnh đất lắm người nhiều ma" (Nguyễn Khắc Trường), "Dòng sông Mía" (Đào Thắng)...

Năm 2013, NXB Văn học vừa ấn hành tiểu thuyết “Cổng làng” của tác giả Nguyễn Thanh Cải đang được bạn đọc quan tâm. Qua tác phẩm, tác giả đã đề cập cả bề rộng (nông nghiệp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ) với chiều dài thời gian hơn 40 năm (từ khi xây dựng phong trào hợp tác hóa (HTX) đến nay). Chiều sâu của tác phẩm đã phản ánh bản chất của nông thôn qua các mối quan hệ: Người nông dân với đất đai và mối quan hệ con người với con người, con người với thiên nhiên...

Tác phẩm được chia làm ba phần: "Vỡ làng", "Những mảnh vỡ" và "Những mảnh vỡ ghép lại" đó là hình tượng ở nông thôn hơn 40 năm qua.

Ở từng phần tác giả dày công thâm nhập thực tiễn, chọn các sự kiện điển hình tốt có, xấu có các nhân vật đại diện cho các giai tầng xã hội như cụ Viễn, người được cứu từ đống xác chết năm 1945, cho đến nay là một công dân chứng kiến mọi sự đổi thay của làng Hưng Thái hàng ngày diễn ra qua cổng làng: Lão Khủng, một đại địa chủ, mang hệ tư tưởng tư hữu phong kiến; Chủ nhiệm Điền, Bí thư Đức, Chủ tịch Dũng thay nhau qua các nhiệm kỳ, lãnh đạo quản lý điều hành mọi hoạt động của Hưng Thái. Rồi nhà báo Nhật Minh, một số cán bộ Trung ương là cầu nối giữa Nhà nước và cơ sở cùng tập thể nông dân xã Hưng Thái được tác giả đề cập làm nền cho nội dung cuốn sách.

Với thời gian từ ngày dân cày có ruộng, đến tổ đổi công, đến HTX với phong trào hợp tác hóa, hợp tác là nhà, xã viên là chủ, mỗi người làm việc bằng hai, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Thể hiện sức mạnh tập thể của nông dân miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiền đề cho thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH.

Đó là thành tựu của một giai đoạn lịch sử. Sau đó là HTX hợp nhất toàn xã, cơ sở vật chất kỹ thuật không được đầu tư thích ứng, năng lực quản lý không được nâng cao dẫn đến cấp quản lý thì quan liêu, người xã viên thì thiếu tinh thần làm chủ.

Hình tượng điển hình mà tác giả đã phản ánh là ông chủ nhiệm những lần đi kiểm tra đều thấy ruộng lúa để sót những vạt cỏ. Ông dậm chân quở mắng bà con. Nhưng rồi về nhà ông mới nhận ra, chính cái cào cỏ của vợ mình có bẩy răng đã gãy mất ba mà đã mòn vẹt qua mấy vụ rồi.

Bà con xã viên thấy vậy bình luận: “Bệnh quan liêu giả dối đã có từ trong nhà ông chủ nhiệm”. Vậy mà tình trạng cha chung không ai khóc, bà con bỏ ruộng đi làm thuê mướn bên ngoài, thu nhập cao gấp năm, bảy lần làm ở HTX nên HTX cũng tan rã từ đó.

Sau rồi HTX chia ruộng, khoán cho mỗi hộ gia đình vài mảnh (chia đều cho từng hộ), mỗi nhà tới mươi mảnh. Có mảnh chỉ vừa một xã bừa. Bà con nông dân với tinh thần được làm chủ trên thửa ruộng của mình, già trẻ cùng ra đồng cuốc cày và gieo cấy trên mảnh ruộng khoán.

Phải nói là với tinh thần làm chủ ấy, đất chẳng phụ công, lúa màu xanh tốt. Nhưng tư tưởng tiểu nông lại bộc lộ mạnh ai nhà ấy làm. Giống cũ, giống mới và phòng trừ dịch bệnh thiếu sự chỉ đạo của tập thể, dẫn đến: Chuột kéo nhau đến làm tổ ở ngôi mộ bố lão Khủng, bà con gọi là “Mộ cũ đất mới”. Ruộng nhà lão Khủng cấy giống cũ, bón nhiều phân chuồng lúa bị lốp, đúng là “Mầm cũ đất mới”. Bà con bảo rằng: “Cái tư tưởng tư hữu phong kiến tồn tại từ trong đầu lão Khủng”.

Tình trạng một nhà trồng mướp bán xơ thu nhập một sào cao hơn trồng lúa thì giàu nhưng rồi cả đồng trồng mướp dẫn đến cả làng “Xơ mướp hóa”. Tình trạng cây đặc sản vải thiều lúc đầu cao giá tới mức cây vải cây vàng rồi cả làng đưa cây vải ra đồng, lên đồi. Vài năm sau, mùa vải chín bạt ngàn, không có nơi tiêu thụ, giá bán không đủ trả công thu hái, dẫn đến thua lỗ, nông dân lại chặt vải trồng ổi, rồi chặt ổi trồng quất bán rong trên đường...

Cứ như điệp khúc trồng - chặt rồi trồng - chặt dẫn đến “xã viên cứ như người làm xiếc trên đồng”. Tình trạng được mùa mà dân vẫn lao đao, vẫn nghèo khổ... Những điển hình trong tư tưởng tiểu nông còn bột phát, chạy theo xu thế đám đông trong nông nghiệp nông thôn được tác giả dựng lên với những thực tiễn sinh động, với những lời đối thoại trên đồng giữa các nhân vật được khẳng định: Không thể làm giàu với hệ tư tưởng tiểu nông tự phát và lao động thủ công manh mún, năng suất chất lượng thấp được.

Ngoài ra, bạn đọc còn tìm được những điển hình trong SXNN thời kỳ mới trong tiểu thuyết "Cổng làng" mà tác giả Nguyễn Thanh Cải đã đề cập.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1