Ý tưởng về tiểu thuyết “Săn cá thần” của anh ra đời như thế nào? “Săn cá thần” ra đời sau một chuyến đi tiền trạm săn cá của nhóm câu cá dã ngoại chúng tôi. Riêng tôi thì chuyến đi đó kéo dài cả tháng trời. Khi đối diện với thiên nhiên hùng vĩ hoang sơ, đối diện với sức mạnh của tự nhiên, nỗi sợ hãi cùng bản năng sinh tồn trỗi dậy. Khi đó tôi nảy ra ý nghĩ sẽ phải viết về điều đó, về sức mạnh siêu nhiên, hay nỗi cô đơn và sự nhỏ bé của con người. Nhóm câu cá chúng tôi cứ mãi theo đuổi săn lùng con cá khủng, mà lời kể của những người dân bản địa ở đó về nó đã hầu như trở thành truyền thuyết. Rồi chúng tôi bị ám ảnh bởi nó, ghi nhớ như một món nợ, một mối thù, một mục tiêu mà cuộc đời đi câu phải đặt được. Những ai nghiện câu cá đều trải qua cảm giác này, bị cám dỗ bởi viễn cảnh câu được một con cá to thật là to, một con cá sống lâu đã thành tinh, một con khủng long, một con quái vật! Đôi khi, nỗi thèm khát này sẽ ám ảnh họ suốt cuộc đời. Vì sao anh dùng một lối viết với những ngôn từ “trần trụi” ở tiểu thuyết này? Trong cuốn sách này, tôi bám sát vào hiện thực cuộc sống với những ngôn từ vỉa hè, tạm gọi là văn nói. Đấy là thứ ngôn từ trần trụi, có lúc thậm chí tục và bị cấm kỵ trong văn chương truyền thống. Tôi muốn làm cái điều mà người ta hay né tránh, đưa tiếng lóng đời thường, lối nói tắt nói lái của đời sống hôm nay vào những trang viết, vào lời thoại của nhân vật. Có thể độc giả sẽ ngạc nhiên với ý nghĩ: Sao bấy lâu ít ai làm điều này? Sao ngôn từ bình dân gần gũi thú vị vậy mà chẳng đưa nó vào văn chương? Anh tự thấy mình đã khác cái thuở là “ngôi sao Hoa Học Trò” thế nào? Tôi thấy mình hiểu đời, hiểu chuyện hơn. Cuộc sống thăng trầm với những trải nghiệm và bầm dập dạy cho tôi nhiều điều. Cái thuở còn là cậu sinh viên D’ Artagnan viết báo Hoa Học Trò xưa đã qua lâu rồi, có thể sự lãng mạn và mơ mộng thì vẫn còn, nhuốm chút u uẩn, nhưng phải tự cân bằng với cái đầu lạnh và không còn ngạc nhiên nhiều về những “thói đời” nữa. Chúng ta chứng kiến quá nhiều chuyện điên rồ xảy ra mỗi ngày, nên nó trở thành bình thường mất rồi. “Săn cá thần” cũng là một câu chuyện tìm về thiên nhiên, tìm về những cảm xúc sơ khai, thuần khiết. Đây là điều dường như cuộc sống này đang thiếu? Nhiều nhà văn nói mọi cái đã viết đều có giá trị như nhau, với anh thì sao, qua một quá trình khá dài “đi câu” trên dòng sông văn chương? Cho đến thời điểm này, tôi nghĩ đây là con cá văn chương to nhất tôi đã câu được. Ngay từ lúc viết những chương đầu tiên và đăng tải trên mạng, theo ghi nhận của tôi, truyện đã được nhiều độc giả đón nhận hào hứng và háo hức chờ đọc. Mới viết được một nửa thì báo VOV cho đăng thành truyện dài 75 kỳ, số lượng độc giả tăng vọt, nhiều người cũng lùng sục cá thần trên blog, trên facebook của tôi. Nhưng tôi chỉ công bố một phần tác phẩm trên mạng, phần còn lại ém đi để in thành sách. Đấy có thể gọi là chiêu câu…độc giả hoặc là… xẻ thịt cá đem bán! Anh là nhà văn, là chủ tiệm cà phê, là một tay câu cá giang hồ, vậy trong ba thứ cà phê, câu cá, viết văn, với anh thứ nào phê nhất? Cà phê giúp tôi hưng phấn viết văn, câu cá cũng vậy. Nhưng viết văn vẫn là ép phê nhất. Một khi đã trót rơi vào cái thế giới ảo ảnh kỳ lạ ấy rồi, thường là ta chẳng muốn thoát ra nữa, ta muốn viết mãi, viết mãi: Đó sẽ là một cuốn tiểu thuyết không có hồi kết. Đặng Thiều Quang sinh năm 1974 tại Lào Cai. Anh tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội. Đặng Thiều Quang mê viết văn và từ thuở sinh viên đã là một cây bút nổi tiếng cho lứa tuổi mới lớn. Đến nay, anh đã xuất bản các tiểu thuyết Hoen gỉ (1996), Chờ tuyết rơi (2007), Đảo cát trắng (2008), Bóng giai nhân (2009), cùng các tập truyện Tôi và D’Artagnan (2007), Phải lòng (2009). Ngoài văn chương, Đặng Thiều Quang còn mê câu cá và là một tay câu có hạng, có biệt danh giang hồ là Quang “cá quả”. Hiện anh sống tại Hà Nội, viết văn, viết báo tự do, và kinh doanh quán cà phê. | Thủy Triều Thực hiện |