Bầy cừu đã im lặng!

17:39:00 05/12/2013

QĐND - Dù có bề dày lịch sử hơn 300 năm, văn học kinh dị vẫn bị nhiều người xem là thứ văn chương không... “nghiêm túc”, giải trí ba xu. Lý do là vì, thể loại văn học này chuyên khai thác một điều mà con người không yêu thích, đó là nỗi sợ hãi. Nhờ nghiên cứu văn học có bước phát triển về chất trong thế kỷ XX, nhiều vấn đề trong văn học được nhìn nhận lại một cách toàn diện. Với văn học kinh dị, các nhà nghiên cứu đã công nhận vai trò nghệ thuật của thể loại này là thỏa mãn nhu cầu tiếp cận, để hiểu về nỗi sợ-như một chiều kích tâm hồn con người.

Quả thật, bên cạnh vô vàn tác phẩm khai thác nỗi sợ theo cách thức thấp kém, cốt để trở thành best-seller, nhiều tác phẩm kinh dị đã từng bước đi sâu, khám phá tâm lý con người, trở thành những tiểu thuyết rất độc đáo. Trong đó, không thể quên 4 cuốn tiểu thuyết về bác sĩ tâm lý ăn thịt người Ha-ni-bâu Lếch-tơ của nhà văn Mỹ, Thô-mát Ha-rít. Bốn cuốn đã được in từ năm 1981 đến 2006 nhưng ở Việt Nam, mới chỉ dịch hai cuốn là “Sự im lặng của bầy cừu” (Phương Tần dịch, NXB Đà Nẵng, 1994) và “Hannibal” (Thu Lê dịch, NXB Hội Nhà văn, 2013).

Được nhiều người đọc nhất trong loạt tiểu thuyết về bác sĩ Lếch-tơ, vẫn là cuốn “Sự im lặng của bầy cừu” (1988). Sự nổi tiếng của tiểu thuyết, một phần nhờ bộ phim kinh điển chuyển thể cùng tên, là một trong ba bộ phim suốt 84 năm lịch sử giải Oscar, giành 5 giải thưởng quan trọng nhất (Big Five) ở các hạng mục: Phim hay nhất, Đạo diễn, Quay phim, Kịch bản chuyển thể, Nam và Nữ diễn viên chính. Tiểu thuyết “Sự im lặng của bầy cừu” lấy chất liệu từ việc phá một vụ án giết người hàng loạt nhưng mục đích chính, lại hướng tới sự kinh dị, tạo sự sợ hãi cho người đọc. Do vậy, nhiều người vẫn coi “Sự im lặng của bầy cừu” là một tiểu thuyết kinh dị điển hình.

Không kinh dị sao được khi nội dung là cuộc truy lùng kẻ giết hàng loạt phụ nữ mập mạp để lột da, có biệt danh là “Bác-pha-lô Biu”. Để tìm ra thủ phạm, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) muốn nhờ sự hiểu biết của bác sĩ ăn thịt người Lếch-tơ đang ở tù. “Thuyết khách” được sử dụng là một cô sinh viên sắp trở thành đặc vụ FBI tên là Cla-rai Xta-linh. Bác sĩ Lếch-tơ đồng ý giúp phá án với điều kiện, Cla-rai phải kể câu chuyện buồn nhất trong quá khứ của cô.

Cla-rai là cô bé trở thành trẻ mồ côi sau khi người bố làm nghề cảnh sát hy sinh. Cô phải đến ở với dì dượng tại một trang trại. Một tối, cô tỉnh giấc vì nghe thấy tiếng cừu non đang bị giết thịt và cô bỏ nhà ra đi. Sau đó, cô bị đi vào trại trẻ mồ côi và cố gắng, phấn đấu học tập để trở thành đặc vụ FBI nhưng quá khứ u buồn vẫn ám ảnh cô; thỉnh thoảng giữa đêm, cô vẫn tỉnh giấc vì nghe đâu đây tiếng kêu của bầy cừu.

Nhờ sự gợi ý của bác sĩ Lếch-tơ, cộng với việc Cla-rai tìm ra một con nhộng của loài bướm đêm “đầu tử thần” (vì trên thân của con bướm có đốm trắng, hình dáng đầu lâu!) trong mồm một nạn nhân; từ đó, mục đích giết người của Bác-pha-lô Biu mới được hé lộ. Bác-pha-lô Biu là một người đàn ông nhưng do nhiều yếu tố bẩm sinh và đời sống khách quan xô đẩy, khiến hắn luôn nghĩ bản chất hắn là đàn bà (còn gọi là Hội chứng lệch lạc nhận thức giới tính). Hắn nộp đơn phẫu thuật chuyển giới nhưng bị các bệnh viện từ chối. Quá uất ức, hắn bắt cóc các cô gái mập mạp, bỏ đói cho da chùng xuống, rồi giết và lột da họ, lấy da may thành một chiếc áo khoác trông có vẻ ngoài của đàn bà. Ý nghĩa việc hắn nuôi bướm và nhét nhộng trong mồm nạn nhân vì hắn mong muốn, được biến hóa trở nên... xinh đẹp như loài bướm.

Việc tìm ra kẻ giết người càng trở nên cấp bách khi con gái của một Thượng nghị sĩ bị Bác-pha-lô Biu bắt cóc. Bác sĩ Lếch-tơ cho rằng, chỉ cần đọc hồ sơ vụ án là có thể tìm ra thủ phạm và nhấn mạnh đến nguyên tắc đầu tiên, là sự đơn giản trong hành vi kẻ giết người. Nghe theo lời khuyên, Cla-rai xem lại hồ sơ và nhận ra, lo-gic đơn giản đó là Bác-pha-lô Biu sống kề với nạn nhân đầu tiên. Hắn tiếp xúc với nạn nhân hằng ngày và thèm khát được trở thành đàn bà như cô, từ đó, hắn mới trở thành kẻ giết người lột da. Cla-rai nhanh chóng tìm ra nơi Bác-pha-lô Biu sống và giết y, giải cứu con tin.

Bề ngoài là nội dung vụ án rùng rợn, ghê tởm, T. Ha-rít thực ra muốn lao vào khoảng không tăm tối của những ẩn ức muôn đời của con người. Bác-pha-lô Biu không phải là kẻ giết người bẩm sinh, hắn giết người man rợ bởi không được thỏa mãn khao khát thầm kín của mình. Bác sĩ Lếch-tơ cũng không phải là kẻ ăn thịt người bẩm sinh, mà do hắn bị ám ảnh khi em gái mình bị ăn thịt. T. Ha-rít đã viết cái kết có hậu, sau vụ án, Cla-rai đã không còn bị ám ảnh, cô ngủ ngon trong “sự im lặng của bầy cừu”.

Sự phức tạp của cuộc sống hiện đại, xô bồ ở các nước phát triển khiến con người rất dễ bị những chấn thương tâm lý. Chỉ khi nào gột bỏ đi những ám ảnh, kìm chế những khao khát bệnh hoạn; con người mới thật sự được sống bình an. Đó là thông điệp đầy nhân văn đằng sau một câu chuyện giải trí quá kinh dị!

TRẦN HOÀNG HOÀNG


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1