Đơn tuyến nhưng không đơn độc

08:00:00 05/12/2013

Nhà văn Phạm Quang Đẩu trò chuyện về quá trình sáng tác tiểu thuyết "Đơn tuyến".

Nhà văn Phạm Quang Đẩu.

- Thưa nhà văn Phạm Quang Đẩu. Được biết trong tháng 11 này, Nhà xuất bản Công an nhân dân sẽ cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết "Đơn tuyến" của ông viết về cuộc đời nhà tình báo, nhà khoa học, Thiếu tướng Công an Nguyễn Đình Ngọc. Đây cũng là cuốn sách tham gia cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống (2012-2015) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phát động. Ông có thể bật mí cho bạn đọc biết cơ duyên nào ông lại chọn nhà tình báo Nguyễn Đình Ngọc đề xây dựng cuốn tiểu thuyết này?

+ Đúng là có cơ duyên. Cách đây khoảng gần 20 năm, hồi tôi còn làm việc ở tòa soạn Báo Quân đội nhân dân, một nhà y học kỳ cựu đã đưa tôi tập đánh máy hơn chục trang đề tài khoa học của GS Nguyễn Đình Ngọc. Tên đề tài: "Khoa học công nghệ với các giá trị văn hóa - Mã số KX.06". Lúc đó tôi chưa hề biết tác giả, vả lại thoạt nhìn "khoa học công nghệ" với "giá trị văn hóa" có vẻ chẳng ăn nhập nhau lắm. Nhưng khi tôi mang về đọc, quả thấy độc đáo và thú vị! Tác giả đưa các dữ kiện hoàn toàn khó định lượng như "kiến thức", "tri thức", "quyết thức" vào công thức nổi tiếng của nhà vật lý thiên tài A.Einstein trong Thuyết Tương đối. Từ đây giải thỏa đáng bài toán về quyết sách phát triển đất nước dựa trên nền tảng nâng cao dân trí. Tôi liền viết một bài bình đề tài này trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần. Được ít bữa, GS. Ngọc điện thoại mời tôi đến gặp tại trụ sở của Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin, lúc đó ông đang là Phó ban. Tôi quen ông từ đó.

Ông vốn là nhà toán học được đào tạo bài bản tại Pháp từ giữa những năm 50 của thế kỷ XX. Qua tiếp xúc thấy ông giản dị dễ gần song rất kiệm lời, nhất là không bao giờ nói về mình. Một lần khác, TSKH. Trần Đức Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty Đất hiếm Việt Nam kể với tôi là, GS. Ngọc còn giỏi về tử vi tướng số, chính ông đã được xem, khá đúng. Tôi thực sự bất ngờ, nhưng khi gặp lại GS. Ngọc, tôi cũng không dám hỏi về những chuyện ''thần bí" đó. Thế rồi đến giữa năm 2006, đài báo đưa tin buồn: GS.Nguyễn Đình Ngọc từ trần. Tôi đọc trên Báo Công an nhân dân hé lộ việc ông là một điệp viên đơn tuyến, được "đánh" vào Nam từ năm 1954, đã nhiều lần cung cấp những tin tức tình báo quan trọng. Hóa ra ngày ấy, ông dùng tử vi tướng số như một phương tiện để thâm nhập vào giới thượng lưu, tướng tá ngụy Sài Gòn, tôi càng tiếc là khi gần ông đã không "khai thác" được gì. Có nhà văn công an còn bảo tôi: "Ngay chúng tôi trong ngành mà cũng có biết nhà khoa học Nguyễn Đình Ngọc là điệp viên đâu. Muốn viết mà không có tư liệu". Ngày ấy, đã có những cuốn sách dày dặn gây được tiếng vang về các nhà tình báo quân đội như Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ; Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn…Vậy mà vị Thiếu tướng tình báo Công an cùng thời, đã lập được nhiều chiến công, sau ngày nước nhà thống nhất bao nhiêu năm vẫn im hơi lặng tiếng.

Thêm một "cơ duyên" nữa. Cách đây hai năm, một buổi tối, tôi nhận được điện thoại của anh Đào Anh Tuấn, biên tập viên Nhà xuất bản Công an nhân dân. Chúng tôi chưa từng quen nhau, anh bảo đã đọc bài của tôi về GS. Nguyễn Đình Ngọc và muốn tôi viết hẳn một cuốn sách về nhà tình báo kiêm nhà khoa học ấy. Tôi còn liên hệ được với GS. Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT Đại học Thăng Long, người có thời kỳ học ở Pháp quen biết GS. Ngọc. Qua GS. Sính lại được biết thêm một đầu mối nữa là bác sĩ Nguyễn Đình Kim, em ruột GS. Ngọc.

Bác Kim 80 tuổi, còn khỏe mạnh, minh mẫn, đã cung cấp cho tôi một tư liệu quan trọng là bản sao hồ sơ lý lịch Đảng của anh mình. Nhờ có tư liệu này, tôi biết chính xác được những giai đoạn hoạt động, cùng một số điều về đời tư, hoạt động đơn tuyến của GS. Ngọc, mà nếu như bình thường khó biết được. Tóm lại, nhờ có những cơ duyên trên mà cuối cùng tôi có thể tự tin để ngồi vào bàn viết.

- Thưa nhà văn. Từ trước đến nay, người ta hay nói đến các thể loại tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết viễn tưởng hay truyện ký, hồi ký, ký chân dung... mà ít thấy nói đến thể loại tiểu thuyết chân dung. Cuốn sách của ông đề "Tiểu thuyết chân dung", vậy quan niệm của ông về loại tiểu thuyết này, cùng quan niệm khi viết về tiểu thuyết lịch sử, vì chân dung một con người thường gắn liền với một giai đoạn lịch sử nhất định.

+ Viết về người thật, việc thật nhiều người hay chọn thể loại truyện ký, hồi ký, ký chân dung, tức là dựng lại chân thực nhân vật, tránh hư cấu. Còn khi đã dùng đến thể loại tiểu thuyết, ít nhiều đều có hư cấu, song vấn đề cốt yếu là không được xuyên tạc sự thật lịch sử. Cuốn "Đơn tuyến" của tôi như phần tự bạch ở đầu sách: "Sự kiện, nhân vật lịch sử được tôn trọng tối đa thông qua tư liệu, lời kể của người thân, bạn bè, bên cạnh đó hư cấu đóng vai trò kết nối và tô đậm tính cách".

Để làm được điều này, các sự kiện lịch sử gắn với những nhân vật, ngoài việc khai thác hồi ức của nhiều người, tôi còn phải đọc khá nhiều tư liệu, sách vở. Đặc biệt bỏ công sức lục tìm trong kho dữ liệu kỹ thuật số, với gần 300 tài liệu tham khảo khác nhau.

Có thể nói, nếu không có mạng Internet, tôi khó hoàn thành được cuốn sách với trên 350 trang in, trong thời gian có hơn 1 năm như vậy. Khi xong bản thảo lần đầu vào cuối năm 2012, tôi chỉ đưa cho hai người nhờ đọc, góp ý, thâm tâm nghĩ, nếu được sự đồng tình, chí ít có cảm tình là thành công bước đầu rồi; ngược lại, sẽ phải… làm lại từ đầu. Hai người đó là nhà văn Ma Văn Kháng, xin ý kiến ông về nghề và bác sĩ Nguyễn Đình Kim, người gần gũi nhất với nhân vật chính. Sau này trong quá trình bổ sung, chỉnh sửa tôi còn đưa cho một số người quen là nhà văn, nhà khoa học xem, góp ý thêm.

Nhà văn Ma Văn Kháng đọc khá nhanh và đã gợi ý tôi: Nên đề là "Tiểu thuyết chân dung" vì đây thực chất là chân dung hoàn chỉnh của nhân vật chính kéo dài gần 60 năm trong cuộc đời ông. Thú thực, tôi cũng chưa bao giờ đọc cuốn tiểu thuyết chân dung nào khác, nhưng thấy nhà văn đàn anh nói có lý thì đặt cho cuốn sách của mình thuộc thể loại như vậy. Tôi tin rồi đây sách ra mắt bạn đọc, sẽ có nhiều người đồng tình với cách gọi mới này. Còn bác Nguyễn Đình Kim khi trả lại bản thảo đã vui vẻ bảo tôi: "Bây giờ tôi mới biết đầy đủ về chiến công của anh tôi. Và anh viết lãng mạn hơn tôi nghĩ về ông anh tôi đấy".

- Nhà văn Ma Văn Kháng trong thư gửi ông sau khi đọc tiểu thuyết "Đơn tuyến" có câu:"Từ chất liệu có thực đến một chế phẩm văn chương, đó là tài nghệ và công phu sáng tạo của nhà văn Phạm Quang Đẩu". Vậy ông mất bao nhiêu thời gian để có được "chất liệu có thực" và bao nhiêu thời gian để có được "một chế phẩm văn chương"?

+ Ở trên tôi đã nói một phần về thời gian viết tác phẩm. Việc gặp gỡ, phỏng vấn, tìm sách vở, tài liệu chiếm nhiều thì giờ, công sức của tôi. Còn khi ngồi viết trên máy tính, chỉ mất khoảng 3 tháng. Sau đó là bổ sung chỉnh sửa nhiều lần, tổng cộng hơn nửa năm. Tôi có thói quen nghĩ thật kỹ, viết thật nhanh. Cũng phải nói thêm là, do nhân vật chính xưng "tôi", tức nhân vật chính kể lại cuộc đời mình, nên tôi phải tham khảo ý kiến nhiều nhà toán học, nhờ họ giảng giải cho những việc chuyên môn mà GS. Ngọc đã làm. Bên cạnh đó, việc GS. Ngọc dùng tử vi, tướng số để thâm nhập giới thượng lưu Sài Gòn moi tin tình báo, thì tôi phải tự đọc sách về tử vi để viết cho đúng, kẻo lại mắc những lỗi ngớ ngẩn.

Có một chi tiết do bác Kim kể: Hồi bé anh tôi được một thầy bói phán là sau này thể nào cũng làm tướng. Để miêu tả việc này, tôi phải đưa các dữ liệu về ngày, tháng, năm sinh, giờ sinh của GS. Ngọc, nhờ một người bạn am hiểu tử vi lấy hẳn một lá số hoàn chỉnh, để có cái mà luận bàn. Rất may, những lời phán của "thầy" khá trùng khớp với diễn biến cuộc đời thật của nhân vật. Trong sách có mô tả nhiều cuộc hành quân tìm diệt lớn của Mỹ ngụy, cùng những xung đột giữa các tướng tá ngụy với nhau, đều liên quan đến nhân vật chính, phải tìm hiểu kỹ để dựng lại cho gần đúng với không gian, thời gian diễn ra các sự kiện, ngay ngôn ngữ của nhân vật cũng phải theo thời kỳ ấy… Có lẽ nhà văn Ma Văn Kháng đánh giá chất lượng văn chương thông qua những sự thể hiện có những dụng công đó của tôi, và đấy cũng còn là một cách động viên khích lệ của nhà văn đàn anh với những tìm tòi thể hiện được coi là thành công trong tác phẩm.

- Ông là một nhà văn quân đội đã viết nhiều về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng, giờ ông viết về đề tài an ninh và bình yên cuộc sống thì có những thuận lợi và khó khăn gì? Và để một nhà văn quân đội viết hay về đề tài Công an, ngoài tài năng thiên bẩm thì còn những yếu tố gì để có thể cho ra đời những tác phẩm có giá trị?

+ Đúng là trong 6 cuốn tiểu thuyết tôi đã xuất bản thì hầu hết nhân vật người lính ở vị trí trung tâm. Tôi có 37 năm quân ngũ, có thể nói là khá thông thuộc người lính. Quả đây là cuốn sách đầu tiên tôi viết về Công an, mà lại ở lĩnh vực tuy hấp dẫn song ít được người đời biết đến. Để có kiến thức về tình báo, ngoài đọc các sách viết về các nhà tình báo trong nước và thế giới, tôi có gặp một số cựu sĩ quan đã nghỉ hưu thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng để hỏi thêm về kiến thức sơ đẳng. Sau đó tôi đưa bản thảo cho một vài bác xem, đều nhận được lời khuyên, góp ý bổ ích, nhìn chung không có gì sai sót lớn về mặt nghiệp vụ…

- Xin cảm ơn nhà văn và chúc ông sức khỏe để có nhiều tác phẩm hay hơn nữa về đề tài Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống!


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1