Người Việt và sách

16:25:00 10/11/2013

PNCN - Trong các chuyến đi xuyên Việt bằng tàu lửa hay máy bay hoặc xe du lịch chất lượng cao, nếu chú ý, du khách dễ nhận thấy, ngoài số người ngủ gật hay làm chuyện lặt vặt hoặc tán gẫu với người ngồi bên, có hai bộ phận đọc khác nhau: đọc sách và đọc báo. Chú ý nữa, hầu hết người cầm trong tay cuốn sách dày là khách Tây, ngược lại: dân Việt!

Đi vào các khu di tích văn hóa - lịch sử cũng gặp hình ảnh tương tự, trong khi người Việt xách theo gói đồ ăn thì dân phương Tây luôn tay giở các trang sách. Họ đi du lịch vừa để giải trí vừa học. Họ luôn chuẩn bị sẵn tri thức tối thiểu về nơi họ sắp đến. Không hiểu, họ hỏi; hiểu lờ mờ, họ hỏi. Họ thắc mắc về sai biệt giữa thực tế và kiến thức được viết trong cuốn cẩm nang du lịch: tại sao bức tượng kia không còn ở đó? Tại sao sách lý giải thế này mà anh/chị thuyết minh nói như thế kia?… Không ít lần “người bản địa” phải chịu ngọng!

Xem phim Hàn Quốc, nếu chú ý, ta thấy đa phần phòng khách đều có tranh, tranh nguyên bản của họa sĩ nội địa có khi còn khá vô danh; bên cạnh đó, phòng khách luôn bày biện tủ sách để điểm xuyết không gian trí thức. Ngược lại, phim Việt Nam cũng treo bao nhiêu là tranh, nhưng là họa phẩm của các họa sĩ nổi tiếng nước ngoài, mà là hàng nhái, hàng giả! Thi thoảng cũng có vài tủ sách, nhưng rất lạc lõng và lạc điệu trong khoảng không gian chung đó.

Không phải dân Hàn Quốc mê sách hay đọc sách nhiều hơn Việt Nam, mà là họ chủ ý bố trí tủ sách - nơi chứa đựng bao nhiêu trí thức nhân loại - đập vào mắt thế hệ trẻ, những người làm chủ tương lai đất nước. Hội họa cũng thế, chắc gì dân Hàn thưởng thức nghệ thuật lịch lãm hơn ta, mà là điều đó nói lên tinh thần dân tộc của người làm phim, họ muốn con em biết đến dân tộc trước khi ra ngoài thế giới. Đó là chiến lược phát triển rất nền tảng.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà người Hàn Quốc cố chấp hẹp hòi, chỉ biết tổ quốc mình, bất cần thiên hạ. Chính tại Hàn Quốc, ngay thập niên chín mươi của thế kỷ trước, tổng thống của họ đã chủ trương thay thế chủ nghĩa dân tộc bằng chủ nghĩa dân tộc mở (open nationalism): mở ra với thế giới mênh mông, nhưng không đánh mất chính mình.

Trở lại với xã hội Việt Nam, nơi trang trọng nhất của ngôi nhà một gia đình trung lưu, đập vào mắt khách là tủ buffet chưng diện bát đĩa và... cái ti vi đời mới. Mấy năm qua, ta có thêm máy vi tính. Hiếm gia đình có được tủ sách hoặc có nhưng rất ít, chỉ lèo tèo vài chục cuốn.

Nếu trước 1975, trong gia đình nông thôn miền Nam, không ít gia đình còn có thói quen mua sách hoặc các loại tạp chí như Bách khoa, Phổ thông, Thời nay... Gia đình trí thức hơn thì: Văn, Tư tưởng, Đại học... Có nhà còn sắm được năm bảy trăm cuốn. Vài hiệu sách tỉnh lẻ như thị xã Phan Rang, chúng tôi dễ dàng tìm được bộ Nho giáo, Thơ tiền chiến toàn tập, Thơ Bùi Giáng... nay thì ngay cả lên thành phố Buôn Ma Thuột, ra Đà Nẵng… thậm chí tại TP.HCM, muốn tìm mua tạp chí Thơ thì chỉ tốn xăng!

Về sách công cụ, người nghiên cứu có thể lên Google mà tìm. Riêng sách mang tính tư tưởng cần đọc và suy ngẫm thì, “mỗi một cuốn sách, dù là rất có giá trị, cũng không thể bán được hơn 2.000 cuốn trên 84 triệu dân” (lời GS Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức) nghe ra chua chát quá. Còn sách văn học, sách đọc để thưởng thức, nhâm nhi? Các con số thống kê vẫn không có gì sáng sủa.

Một nhà nghiên cứu đã nói: “Đọc sách là con đường ngắn nhất đi tới hiểu biết cuộc sống đang ngày càng mở rộng với vận tốc ngày càng nhanh. Đọc sách sẽ giúp mình được rảnh rỗi hơn nhiều trong công việc, bình tĩnh hơn nhiều trong cuộc đời”. Có sách đọc là một chuyện; tạo thói quen đọc, và cuối cùng chất lượng đọc lại là chuyện khác. Người Việt đang từ bỏ dần thói quen đọc sách; thói quen vào hiệu sách tìm mua. Đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sao vẫn không nhiều người mê sách?

Inrasara


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1