Đôi nét về tiểu sử
Nguyễn Văn Trình, còn gọi là Thượng Trình (theo chức vụ thượng thư thời phong kiến) sinh ngày 14 - 9 năm Nhâm Thân (1872) tại phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương; quê xã Kiệt Thạch, nay là xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Thân sinh Nguyễn Văn Trình là Cử nhân Nguyễn Văn Liên (1823 - 1908), tên chữ Hy Lộ, hiệu Sạc Phong, nổi tiếng là người hay chữ một thời; từng làm ở Viện Tập hiền; Đốc học Quảng Nam, góp phần đáng kể trong việc bồi đắp nhân tài đất Quảng.
Nguyễn Văn Trình làm quan trong trong hai mươi bảy năm, trồi sụt, đổi thay giữa hai ngạch hành chính (đường quan) và văn hóa giáo dục (học quan). Về hành chính, từ Tri phủ Hưng Nguyên, rồi Tri phủ Anh Sơn (Nghệ An), Thị lang Bộ Hình, Bố Chánh tỉnh Phú Yên (ngày xưa, mới thi đỗ cử nhân thì bổ tri huyện, đỗ tiến sĩ thì bổ tri phủ); nhưng làm quan mà lại giúp dân chống thuế, chống lại các cố đạo phản động nên ông nhiều lần bị đàn hặc. Chán cảnh làm quan “nô lệ trung chi nô lê, hựu nô lệ”, năm 1928, khi mới 56 tuổi, ông đã đệ đơn xin nghỉ hưu; khi ấy, nhà Nguyễn mới vinh thăng cho ông hàm Lễ Bộ Thượng thư Trí sự!
Trong những năm 1931-1934, ông được Ủy ban Kháng chiến mời dạy chữ Hán ở trường Quốc Học Vinh (trường Cao Xuân Dục), rồi lo việc Hội Tư văn của tỉnh.
Sau Cách Mạng Tháng Tám, ông giữ chức Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh, và là Ủy viên Khu Hội Liên Việt khu IV. Trong thời gian này, ông đã có nhiều hoạt động tích cực, quan hệ công tác chặt chẽ với Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Võ Liêm Sơn…
Ông mất ngày mồng 4 tháng Mười Một năm Kỷ Sửu (1949), hưởng thọ 78 tuổi. Chính quyền cách mạng tỉnh Hà Tĩnh, trong Điếu văn đã đánh giá Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình như sau: “Cụ mất đi, Đoàn thể mất một vị lão thành trí tuệ, lãnh đạo mất đi một vị cố vấn thông minh, mất đi một người thầy của sĩ phu trong hạt, mất đi một người bạn, người chiến sĩ trung thành …”
Tác phẩm của Nguyễn Văn Trình hiện còn giữ được gồm Nam quốc vĩ nhân (lịch sử) Hồng Lam thắng cảnh (địa văn hóa), và Thạch Thất thi tập (thơ), Thạch Thất hợp tuyển.
Những giá trị tư tưởng và nghệ thuật trong thơ Nguyễn Văn Trình
Về tư tưởng
1. Chọn dân hơn chọn vua:
Khi làm quan, Nguyễn Văn Trình nhiều lần đối lập với triều đình, với bọn thực dân để ủng hộ dân chống thuế. Trong bài Xiếc, phỏng theo cách nói của người Huế, ông tố cáo sự xiết thuế, xiết nợ đương thời:
Xiếc chi?
Xiếc xiểng, xiếc què, xiếc đui, xiếc điếc.
Thuế nộp không xong “xiếc rượng” xiếc trâu.
Tiền không có đi chợ, “xiếc” mãi không tha.
Gạo không có bỏ nồi, xiếc chi không biếc ...
(1918)
Thái độ phản kháng ở đây là rất trực tiếp và quyết liệt. Nó lại do chính một ông quan lớn nói ra, trước cả dòng văn học hiện thực phê phán. Những bài thơ như vậy, đáng tiếc vẫn chưa được đưa vào văn học sử. Về nghệ thuật, cách chơi chữ, phỏng theo cách nói của người Huế rất hay: Những chữ chúng tôi bỏ trong ngoặc kép là xiết ruộng, xiết thuế.
Về chữ “Trung” của Nho giáo trong truyền thống là trung với vua. Một nhà nho trước năm 1945 như Nguyễn Văn Trình quan niệm chữ Trung mới mẻ, minh triết, có sức tập hợp đoàn kết như thế này thật tiến bộ:
Chữ trung ý nghĩa rộng bao la
Trung với nhân dân, với nước nhà.
Cơ bản nước là chung cả nước
Thẳng ngay ta phải hết lòng ta.
(Giải chữ Trung)
Những khái niệm cơ bản của Nho giáo, đến Nguyễn Văn Trình đã được mở rộng, mang tính nhân dân, tính thời đại rất cao.
2- Bỏ đục theo trong, bỏ hư theo thực:
Bia bảng, cân đai đến thời Nguyễn Khuyến đã là hư danh, hư vị. “Xã tắc” đến thời Nguyễn Văn Trình đã thật sự nằm dưới quyền điều hành của người Pháp. Làm quan, cơ bản là theo Tây. Đau lòng trước cảnh mất nước, nhân lên Lam thành ở Nghệ An, ôn lại những trang lịch sử hào hùng của đất nước, ông từng cất tiếng ai bi thống thiết, ai cũng phải chạnh lòng:
Bây giờ thấy non kia, thành ấy,
Quạnh rêu xanh cỏ áy mịt mờ thay.
Này đá xây, này mây phủ,
Này tiếng còi mục thụ, này giọng hát ngư ông
Lên chốn này bằng điếu cổ phong
Than ôi nhẽ, anh hùng đâu vắng tá?
(Đăng Lam Thành sơn hoài cổ)
Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, phương pháp và cũng là lý tưởng của nhà nho giờ không thể còn thực hiện. Ông xấu hổ cho mình:
Ú ớ dăm thằng đền nợ nước,
Loanh quanh hai bữa hại cơm trời.
Râu mày chẳng thẹn cùng ai nhỉ,
Danh giá ra gì hỡi tớ ơi!
“Công thành thân thoái thiên chi đạo”. Chưa lập được công trạng gì mà phải lui về, hẳn không khỏi ưu buồn, nhưng bỏ quan lúc này là bỏ đục lấy trong, cũng là một công trạng vậy.
Trăng gió,cỏ hoa, sách vở còn sang hơn nhiều mùi phú quý nơi trướng gấm màn thêu. Có lúc ông tự cho mình là người tiên, hẹn với Non Bồng. Đó là tâm sự thường tình của các nhà nho khi hồi hưu, ẩn dật. Nhưng cái thú này là cũng để tự an lòng, theo nó cũng là bỏ cái hư này để theo cái hư khác mà thôi!
Để trở thành một con người tự do thật sự, hạnh phúc thật sự, con người phải tìm thấy chỗ đứng của mình trong cuộc đời thật. Ở đó, người ta cảm thấy có được lý tưởng chính trị và lý tưởng thẩm mỹ. Trở về với nhân dân, làm người dân bình thường, người dân lao động, Nguyễn Văn Trình đã có một bước tiến lớn về mặt tư tưởng; không chỉ bỏ đục theo trong mà còn bỏ hư theo thực.
Cái nhìn đời của ông không còn là cái nhìn của ông quan mà đã là của người nông dân:
Lúa chẳng bao nhiêu sắp chật nhà
Có lòn, có nếp, với người ta.
Ngâm câu phong lạc đầu mùa hạ
Giúp buổi thanh hoàng cuối tháng ba.
Người sẵn gạo ăn, trâu sẵn toóc (rạ)
Sớm nhiều quả tốt, muộn nhiều hoa.
Chữ rằng “tích cốc phòng cơ” đó
Tiết kiệm là hơn, chớ xỉ xa .
(Ất Dậu hạ vũ hỷ tác)
Cái chí làm trai, chí anh hùng, chí kinh bang tế thế của Nguyễn Văn Trình không phải đợi lâu. Ông đã tham gia công việc cách mạng từ trước năm 1945 và trở thành Chủ tịch Mặt trận của tỉnh nhà, góp sức góp tài xứng đáng vào công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Tiếng Việt, tiếng địa phương trong thơ Nôm của Nguyễn Văn Trình:
Là một bậc đại khoa, nếu làm văn thơ bằng chữ Hán, ông cũng có thể nối gót Đường, Tống, Lý, Trần. Đọc bài Xem hoa cảm tình, ta cũng thấy bút lực ấy:
Sớm nở hay đâu tối đã tàn
Xem hoa luống những ngậm ngùi than
Hồng nhan kia cũng như hoa ấy
Bạc mệnh nghìn thu hận chửa tan
Nhưng ông lại chọn riêng cho mình một lối thơ Nôm, chọn cách viết về cái mình nhìn thấy từ cuộc đời nhiều hơn là tự thuật. Và với lựa chọn ấy, hiện thực đời sống nông thôn Việt Nam, gia đình Việt Nam đầu thế kỷ XX đã được phản ánh một cách phong phú, chân thực và sinh động trong thơ ông. Trước hết, nó biểu thị tinh thần yêu nước, yêu dân của một bậc “chăn dân” thực thụ. Đọc thơ Nôm của Nguyễn Văn Trình, thấy rõ ông luôn hướng về đời sống nông dân, nông thôn; lo lắng với mỗi thiên tai; mừng vui hể hả thành lời khi mưa nhuần, nắng thắm, dân được mùa to.
Giá trị đặc sắc nhất về mặt nghệ thuật trong thơ Nôm của Nguyễn Văn Trình nằm ở phần thơ trào phúng, ở cách khai thác cái hay, cái đẹp của tiếng địa phương. Có thể nói, ông là người tự tin nhất không sợ sự “nôm na” để sử dụng tiếng địa phương nhiều nhất trong văn học, tạo nên sự thi vị, thú vị mãi mãi cho người đọc.
Bài Xiếc đã trích dẫn trên đây cho thấy hiệu quả nghệ thuật rất lớn. Giả cách nói người Huế, “tác giả” bài thơ chính là nhân dân. Bày đặt những hoạt động vui vẻ trẻ trung vào thời đó, mục đích chính của Pháp là tô son trát phấn cho một hình đời đã quá tiều tụy, lem nhem; là làm nguôi quên sự phản kháng của nhân dân đối với chế độ. Nhìn những đám như thế, giống như đám cất mả. Trò xiếc, sự giả trá, đui điếc, tàn nhẫn của chính quyền, bị phơi bày, bị nhận chìm trong một tràng chửi: Xiếc xiểng, xiếc què, xiếc đui, xiếc điếc, Gạo không có bỏ nồi, xiếc chi không biếc ...
Sử dụng tiếng địa phương là một chủ trương, một thủ pháp nghệ thuật. Tiếng Huế được sử dụng rất tài tình. Bài Rau muống viết năm 1899 là một ví dụ khác:
Ta ăn rau muống,” muống” ăn hoài,
Chẳng “muống” ta mà lại “muống” ai?
…Hễ “muống” chi chi là được nấy,
“Muống” sao xoay chuyển lại cơ trời.
Tiếng Nghệ nguyên gốc được tác giả sử dụng nhiều nhất. Bỏ lối văn sách kinh điển để nôm na tiếng Nghệ, tôi đồ rằng, Cụ Nghè Trình muốn gửi một thông điệp: Phải coi tiếng nói mẹ đẻ như một tinh hoa, một điều cốt lõi nhất của văn hóa và tinh thần độc lập. Giữ được giọng nói là giữ được cách nói, lối nói; giữ được cách nghe và những liên hệ ẩn sau ngôn ngữ. Tự tin ở tiếng nói cũng là tự cường. Yêu mình, yêu người, yêu nhà, yêu nước cũng từ đó mà nên.
Bài Đại hạn tức cảnh viết năm1890:
Huậy! Huậy! Ông trời nắng đã lâu
Làm chi như bộ muốn làm ngâu.
Đồng khô cháy cháy mừng không đỉa
Xe kéo ồ ồ cực những trâu.
Mấy đứa rau rau đều héo ngọn
Dăm thằng bắp bắp cũng queo râu.
Phải chi vận chuyển cơ trời lại
Mưa xuống dầm dề khắp chín châu.
Từ “huậy” nói lên bức bối đến mức không còn chịu nổi của cái cảnh Mấy đứa rau rau đều héo ngọn, Dăm thằng bắp bắp cũng queo râu – rất có giá trị biểu cảm, thể hiện trăm dân đã khốn khổ đến cùng!
Cũng nhờ sử dụng tiếng địa phương, thơ ông có những chuyển ý tài tình. Từ việc ăn bánh khoái, thứ bánh “chẳng méo, không vuông cũng chẳng tròn”, ông chuyển sang thứ khoái khác và “đe dọa”:
Ông hưởng vừa rồi, đà có cháu,
Cha ăn không hết, để dành con.
Dặn cô cẩn thận đừng ham "khoái"
Mới bốn mươi tư tuổi tác non.
Cũng giọng thơ tinh nghịch ấy, nhân được mưa sau những ngày nắng hạn làm bốn cõi đều khô, ông nhắn nhủ:
Mới đó nồng nàn nghe quá lắm,
Bây giờ mát mẻ biết chừng mô.
Xin ai ướt át đừng năn nỉ
Có rứa năm ni mới được mùa.
Nghe như Hồ Xuân Hương mà không phải Hồ Xuân Hương. Cái hóm của vị đại khoa dù ý nhị, dù được che giấu rất nhiều vẫn lộ rõ sự ngợi ca, khuyến khích quyền vui sống thuận lẽ tự nhiên, trong đó có quan hệ nam nữ. Phần lớn, nụ cười trào phúng trong thơ Nguyễn Văn Trình là nhẹ nhàng, như khi nghe chim tu hú (chim o hướu) kêu cũng là mùa cá chuồn của biển:
O hướu kêu chi lắm rứa o,
Nhớ ai ai nhớ mới đò ho,
Ờ ờ ta biết o rồi đó,
Với cá chuồn kia trót hẹn hò.
(O hướu)
hay khi bị sún một cái răng:
Răng chưa mọc nữa cũng chưa răng,
Hàm đã cao lên lợi cũng bằng,
Vật lạ của ngon nhai được cả,
Thử đem bánh trái đút vào chăng!
(Sún răng)
Cũng có khi ông ra đòn nặng ký đối với những kẻ bất tài được thời khua môi múa mép. Ông ví chúng như những con ễnh ương:
Uệnh oạng làm chi lắm điếc tai
Có đâu mưa gió thế ni hoài
Rồi ra nắng ráo, ông trời dậy,
Bọt bọt phì ra, chớ oán ai.
(Nghe uệnh oạng kêu)
Đa tình chưa hẳn là thi sĩ. Nhưng phần nhiều thi sĩ là đa tình. Sẽ rất thiếu sót nếu không nói về Nguyễn Văn Trình như một thi sĩ đa tình. Trong bài Tái ngộ tình nhân, ta gặp một con người có thể dốc cạn giang sơn cho một người như khí phách, cách chơi nhởi của Nguyễn Công Trứ tiền bối:
Thơ rượu cùng ai ai bạn cũ,
Cầm tôn với khách khách người dưng,
Xưa nay gặp gỡ không không mấy,
Trăng gió chơi bời rứa rứa răng…
Còn ở Biệt tình nhân ta lại thấy sự sâu lắng, cảm động của Tản Đà, của Trần Tế Xương:
Ra về nước mắt nhỏ rưng rưng
Một bước chân đi, một bước dừng
Rượu cúc chén vàng, say dở tỉnh
Vườn đào, nét ngọc nhẹ như nâng…
Thơ Nguyễn Văn Trình mới được sưu tập, rồi đây chắc chắn sẽ được phổ biến rộng rãi. Ông xứng đáng là một tác giả có vị trí trong lịch sử văn học nước nhà!