Mất nơi ở là cuốn tiểu thuyết được viết hoàn toàn bằng tiếng Pháp về nước Nhật trong những năm cuối thế kỉ XIX. Đại uý Hizen nhận nhiệm vụ chỉ huy việc xây dựng một đường tàu hỏa cùng với những người kỹ sư nước ngoài. Thế rồi, người vợ của anh đã bị một trong những người kỹ sư đó quyến rũ, con anh đi theo Thiên Chúa giáo. Bản thân anh, quân hàm và chức vụ cũng rơi vào tay người em ruột Âu hóa… Hizen đã mất đi tất cả những thứ quan trọng của cuộc đời mình chỉ trong một thời gian ngắn. Và hơn thế nữa, anh đã mất đi đất nước của tâm hồn minh, mất đi nơi trú ngụ của thế giới tinh thần và trở thành một kẻ cô đơn, lạc lõng và bơ vơ ngay trên mảnh đất quê hương.
Nhận định
Cuốn sách của một người Việt sống ở phương Tây nhưng vẫn tha thiết hướng về phương Đông. Câu chuyện về nước Nhật thực chất là câu chuyện về những dân tộc Châu Á nói chung trong sự xâm lấn dữ dội của văn hóa phương Tây. Bi kịch “mất nơi ở” của một người đàn ông Nhật là ẩn dụ cho sự mai một, sự băng hoại vừa hữu hình vừa vô hình của những nền tảng văn hóa xã hội Châu Á. Cuốn sách cho người đọc thấy được nỗi day dứt, trăn trở của một người con Châu Á đã xa quê nhà, nhìn thấy được hiện thực đáng xót xa của rất nhiều dân tộc. Ông đã gửi gắm tâm sự của mình vào suy nghĩ vào nhân vật chính Henzi, để anh ta vừa là nạn nhân vừa là người chứg kiến. Nhưng, nỗi trăn trở của Phạm Văn Ký, cũng như sự nhận thức của Henzi vẫn chẳng thể thay đổi được hiện thực, và đó chính là điều làm người đọc phải xót xa khi đọc cuốn sách này.