Tiếp tục đề tài văn hoá – lịch sử mà Nguyễn Xuân Khánh tâm huyết, Đội gạo lên chùa là cuốn tiểu thuyết viết về ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo trong đời sống cư dân nông nghiệp Bắc Bộ, qua những biến thiên của lịch sử Việt Nam gần như trải dài suốt thế kỷ XX: cuộc kháng chiến chống Pháp, cải cách ruộng đất, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, và những ngày đầu thống nhất đất nước,…
Hai chị em chú bé An, sau một trận càn dữ dội của giặc Pháp, cha mẹ đều chết, đã phải rời bỏ quê hương trốn chạy. Họ trôi dạt đến một ngôi chùa, được sư cụ Vô Úy dang tay cứu vớt. Số phận An được gắn với sư cụ, với chùa Sọ và với làng Sọ - một làng quê nhỏ bé êm đềm - trong gần thế kỷ, đã phải chịu đựng chiến tranh, và những biến động long trời lở đất. Ngôi chùa quê, cũng như làng quê với những con người hiền hậu đã phải trải qua bao gian nan sóng gió.
Cuộc đời sư cụ Vô Úy là minh chứng đầy sức thuyết phục về sự chân tu, về người tu hành đắc đạo. Triết lý đạo Phật ở sư cụ không phải những điều cao siêu, khó thực hiện. Trái lại, tâm từ, tư tưởng từ bi bác ái là điều mà mỗi người đều có thể làm. Ngôi chùa Sọ sư cụ trụ trì với nếp sinh hoạt chùa quê thôn dã, dung dị, khoan hòa, hữu ái chính là biểu tượng của biết bao ngôi chùa trên đất Việt, bởi đó là hình ảnh luôn gắn bó với làng xã Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Nó để lại dấu vết sâu đậm trong tâm hồn người Việt. Ngôi chùa gắn với đạo Phật là một thành tố quan trọng trong văn hoá Việt Nam. Có thể nói, Phật giáo là phần chìm của tảng băng. Nó là niềm an ủi, là năng lượng tiềm ẩn, là sức chịu đựng kỳ diệu góp phần giúp con người vượt qua dông bão. Phật giáo tin mỗi con người đều có Phật tính. Mỗi con người là một con đom đóm tuy lập loè đốm sáng nhưng là ánh sáng tự thân. Dù yếu ớt mong manh nhưng vẫn là ánh sáng. Và nếu hàng triệu con đom đóm ấy cùng thắp sáng cả lên… đó cũng là nguồn sáng đáng kể trong cuộc hành trình hoà nhập mới mẻ hiện nay.
Bốn năm dòng miệt mài đọc, nghiền ngẫm hàng vạn trang sách viết về Phật giáo từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, và bằng chính những trải nghiệm của một đời người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã tái hiện và kiến giải thật hấp dẫn lịch sử Phật giáo và lịch sử tu hành dòng đạo này ở Việt Nam; đặc biệt là sự biến đổi và hòa nhập của Phật giáo vào đời sống thế tục và tâm linh của người dân; cho thấy vai trò quan trọng của Phật giáo trong dòng chảy văn hóa Việt truyền thống. Quan trọng hơn, Đội gạo lên chùa còn là một gợi mở về lối sống Phật giáo giúp con người và xã hội hiện đại hôm nay phát triển một cách hài hòa và bền vững…
Đội gạo lên chùa xứng đáng cùng những người anh em của nó là Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng ngàn tạo thành bộ ba tiểu thuyết kiến giải sâu sắc về văn hóa dân tộc khiến người đọc phải suy ngẫm.