Nơi con đường bắt đầu
(Thay lời mở sách)
Khi kiểm kê lại những gì đã viết trong dăm năm qua, cho một mục đích bắt buộc của một công việc trường quy, tôi mới nảy ra ý định tập hợp lại một số bài viết thành tập tiểu luận phê bình này, cho một nỗ lực tứ tán của thời đã qua và cho một hướng đi mà tôi nghĩ nếu có cơ hội theo đuổi thì bản thân sẽ khó lòng có thể rộng dài tay bút đến thế nữa. Dăm năm không là thời gian quá xa cho cái chủ ý ban đầu gần như ngày càng khác đi so với những gì mà tôi đã suy tưởng và trải nghiệm. Ở tập sách này, có vài tiểu luận được tôi viết cho những mục đích ban đầu ấy, một tập tiểu luận cho văn xuôi đương đại, dưới tên sách là Một phép thử sai và một tập cho thơ đương đại, dưới tên sách là Phép thử sai thứ hai, nghĩa tôi muốn làm lịch sử văn học của ngày hôm nay, trên chất liệu là tác giả và thể loại. Một thứ lịch sử văn học tương đối tĩnh tại bởi quá trình văn học đã chỉ được thu gọn vào những cấu trúc nghệ thuật và những tâm lý sáng tạo độc đáo, sáng giá, tiêu biểu cho một thời kỳ văn học. Bởi tôi nghĩ, phê bình văn học, nếu được hiểu như là một khoa học về văn học, tức là nó cũng có phương pháp, có thao tác làm việc nghiêm ngặt như các khoa học tự nhiên, và sản phẩm của nó cũng có thể phần nào thẩm định được, như vậy thì công việc kiểm kê nhà văn và tác phẩm có thể đem lại kết quả và ít nhiều bổ ích. Nhưng khi tôi tiếp cận ngày càng sâu rộng vào lịch sử văn học Việt Nam, với nhiều mảng khuất lấp, nhiều sự kiện và hiện tượng còn chưa được bạch hóa, tức một lịch sử còn nhiều khuyết thiếu và bất tín, thì bối cảnh văn hóa (xã hội) ấy lại đã cho thấy rất khó để có thể hiểu văn học một cách biệt lập. Vì ở chừng mực nào đó, những nghiên cứu hình thức nhất (như thi pháp và các lý thuyết hình thức đang được dần phổ biến ở ta), cũng cho thấy sự không thể tách rời hoàn cảnh, chí ít là hoàn cảnh tự thân của (việc sử dụng) ngôn ngữ. Đọc văn học Việt Nam hiện đại từ điểm nhìn hiện tại, theo đó, dù khuôn gọn đến mấy trong phạm vi nghệ thuật, vẫn khó tách rời các can hệ về mặt xã hội, văn hóa và lịch sử của một dân tộc đã nếm trải rõ rệt quá trình thực dân hóa, và đang phải chứng nghiệm những di sản hậu thực dân một cách khá rõ ràng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bởi nhà văn hôm nay, nhất là nhà văn ở các nước thế giới thứ ba, luôn được/bị đòi hỏi nhiều hơn phẩm tính của một nghệ sĩ. Họ không chỉ là nhà văn trong hệ thống văn học mà còn là trí thức trong hệ thống văn hóa, trở thành những di chỉ tiếp nối của di sản quá khứ trong suốt hành trình kiến tạo dân tộc. Cũng thế, văn học không chỉ là nghệ thuật ngôn từ trong các loại hình nghệ thuật mà còn là một ngôn ngữ trong các loại hình giao tiếp văn hóa và xã hội, nơi chất chứa những biểu thuật của quá trình tiếp xúc không ngừng nghỉ giữa các nền văn hóa trong suốt hành trình tạo lập bản sắc dân tộc.
Các tiểu luận trong tập sách này nhìn nhận văn học trong sinh quyển ấy. Những tiếp cận vấn đề và đại diện làm thành trọng tâm của tập sách, nơi ghi dấu những suy niệm của tôi với văn học Việt Nam đương đại; tiểu luận cuối cùng trong tư cách thay lời khép sách, như một hòa âm, vừa níu kéo vừa thúc giục bước lữ hành. Ở đây, một lần nữa, nhiều tiếp cận về văn học quá khứ của tôi, một bệ đỡ cho những tiếp cận được hiện diện ở đây, cũng bị/được gác lại cho mục đích lột hiện được một phần rất nhỏ của lịch sử nền văn học: những sáng tạo văn học đương đại. Đó là các tiểu luận quan sát văn học Việt Nam trong các tương quan xã hội, văn hóa và lịch sử của đời sống văn học hiện nay, như vấn đề giáo dục văn học, xuất bản văn học, lý thuyết văn học, phê bình văn học,… cùng các tiểu luận tìm hiểu những ứng xử văn hóa và nghề nghiệp của một số nhà văn, nhà phê bình trong tư cách trí thức công chúng. Cho dù, cánh cửa tìm hiểu diễn ngôn và ý hệ hậu thực dân, chủ thể và chủ thể tính trong các nghiên cứu hậu thực dân, tất nhiên là cùng lúc với những biểu thuật hậu thực dân, mà tôi theo đuổi sau này lại phần nhiều xuất phát từ những tiếp cận này. Tập sách, vì thế, giờ đây hiện diện như những thể nghiệm của tôi trong lĩnh vực phê bình văn học Việt Nam đương đại từ ở những phương pháp khác nhau, như thi pháp học, cấu trúc luận, tự sự học, lý thuyết chấn thương, lý thuyết hậu thực dân,… để tìm hiểu một số tác giả và tác phẩm. Song bên cạnh đó, tôi còn muốn đặt nhà văn và tác phẩm vào trong không gian xã hội và văn hóa sinh thành nên văn học, một nền văn học đang chuyển đổi và phân hóa từ trong những không gian đang đối diện với sự chuyển đổi và phân hóa. Có thể coi đấy là một ý hướng tiếp cận ngoại quan vào các vấn đề của văn học, bổ sung vào những tiếp cận nội quan khi tôi thao tác trên các văn bản tác phẩm. Tất cả hướng vào mục đích nhìn nhận chủ thể nhà văn nhiều hơn một tư cách chủ thể sáng tạo và tác phẩm văn học nhiều hơn một tư cách nghệ phẩm cấu thành từ ngôn ngữ, như một cách tham dự của văn học vào cuộc đời.
Trước khi tập hợp thành sách, một số tiểu luận ở đây đã được tôi công bố dưới nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu là từng phần, trên các tạp chí, các báo chuyên ngành, các hội thảo và thông báo khoa học, nay tập hợp lại, mọi chỉnh sửa về mặt ý tứ hay câu chữ đều được tôi chú thích, và coi đây là công bố chính thức cuối cùng đến thời điểm này. Và hơn hết, để tôi có thể làm việc theo sở thích của mình, thậm chí có thể công bố một phần sản phẩm của niềm hứng thú ấy như hiện nay, tôi phải hàm ơn nhiều người mà những lời tri ân là không đủ để đáp đền, tôi mang nợ họ để có thêm hành trang và niềm tin cho những dấn bước về phía trước...
Hà Nội, những ngày Xuân 2013
Đoàn Ánh Dương