Một cuốn sách với ký ức bằng lời và bằng hình ảnh tư liệu được thiết kế khoa học và đầy cảm xúc, kể lại với bạn đọc về một thời kỳ lịch sử hào hùng và bi tráng cách nay 40 năm: Hà Nội, trận “Điện Biên Phủ trên không” , tháng 12 năm 1972.
Người đọc, có lẽ không chỉ những người từng ở Hà Nội thời gian đó nay đã nhiều tuổi, mà cả những người trẻ lớn lên sau này, những người quan tâm đến lịch sử và sự phát triển của đất nước sẽ thu nhận được nhiều điều.
Hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh, và sau đó là cái giá của hòa bình.
Cuốn sách có bố cục 3 phần: Phần 1- Miền Bắc chống chiến tranh phá hoại; Phần 2- 12 ngày đêm Đối mặt với B-52; Phần 3- Hiệp định Paris và Hòa bình được thực hiện từ một cuộc điều tra báo chí và được trình bày với nhiều hình ảnh, trong đó 116 nhân chứng, trong đó hơn 1/4 là dân sự, kể lại những hồi ức cá nhân của 12 ngày đêm ác liệt, dưới mặt đất và trên bầu trời.
Hình ảnh được sưu tầm Từ các nguồn tư liệu được cung cấp bởi TTXVN, Bảo tàng Phòng không-Không quân, Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương và Trung tâm lưu trữ Ngoại giao La Courneuve (Pháp)
Nhóm biên soạn là nhà báo, đại tá Nguyễn Xuân Mai, nhân chứng sống của những ngày tháng hào hùng, nguyên Tổng biên tập báo Phòng không – Không quân, trực tiếp tham gia đưa tin bài, ảnh phản ánh quá trình chuẩn bị đánh B-52 của Quân chủng PK-KQ cũng như diễn biến của 12 ngày đêm cuối năm 1972; Ba tác giả còn lại : Đào Thanh Huyền - Đặng Đức Tuệ và họa sĩ Trần Phúc Thái là những người còn nhỏ, hoặc chưa sinh ở thời điểm năm 1972, nhưng đều là những người cùng chia sẻ mối quan tâm đến giai đoạn lịch sử đặc biệt này của cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Hội đồng thẩm định bản thảo gồm:
- Giáo sư Sử học Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
- PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Viện trưởng viện Lịch sử Đảng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam;
- Trung tướng Vũ Xuân Vinh - nguyên tham mưu phó Quân chủng Phòng không-Không quân;
và nhà báo Đỗ Phượng - nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.