Tác giả:
Albert Einstein (1879-1955) là nhà vật lí lí thuyết người Mĩ gốc Đức – Do Thái. Ông được coi là cha đẻ của vật lí hiện đại, nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỉ XX và một trong những trí thức lỗi lạc nhất trong lịch sử. A. Einstein nhận giải Nobel Vật lí năm 1921 vì “những đóng góp cho vật lí lí thuyết, và đặc biệt cho sự khám phá của ông về định luận quang điện”. Ông là một trong những thiên tài hiếm hoi, người không chỉ vô cùng xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu của mình mà còn có ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều lĩnh vực khác. Ông được tạp chí Time phong là “Người đàn ông của thế kỉ”. Einstein đã công bố hơn 300 nghiên cứu khoa học cùng với 150 đề tài ngoài khoa học khác. Ông cũng nhận được nhiều bằng tiến sĩ danh dự trong khoa học, y học và triết học từ nhiều trường đại học ở châu Âu và Bắc Mĩ.
Tác phẩm:
Thế giới như tôi thấy tập hợp những bài viết, bài nói chuyện, thư từ và tiểu luận khoa học của A. Einstein. Cuốn sách này được xuất bản lần đầu tiên năm 1931 ở Đức. Năm 1955, sách được tái bản ở Mĩ, có bổ sung thêm nhiều bài viết mới. Từ đó tới nay, Thế giới như tôi thấy đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở thành một trong những cuốn sách kinh điển để người đọc qua đó có thể tìm hiểu về con người và cội nguồn tư tưởng của nhà khoa học.
***
Mục lục
Lời giới thiệu (cho lần tái bản thứ tư)
Lời giới thiệu (cho bản tiếng Việt xuất bản lần đầu tiên)
Lời cám ơn
Về bản dịch
Phần I - Thế giới như tôi thầy
Phần II - Chính trị và Chủ nghĩa Hòa bình
Phần III - Trong cuộc đấu tranh chống Chủ nghĩa Quốc xã
Phần IV - Các vấn đề Do Thái
Niên biểu A. Einstein
***
Trích sách
“Lí tưởng chính trị của tôi là lí tưởng dân chủ. Mỗi người cần được tôn trọng như một nhân cách và không ai được thần thánh hóa. Thật trớ trêu cho số phận, chính tôi lại nhận được quá nhiều sự ngưỡng mộ và trọng thị từ người khác – mà tôi chẳng làm gì xứng đáng hay làm gì nên tội”
Thế giới như tôi thấy
“Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có một cảm thức sống động về cái gì là đáng để phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng”
Giáo dục tư duy độc lập
(Trích bìa 4, Thế giới như tôi thấy, A. Einstein)