Công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam. Trong quá trình này việc huy động và sử dụng vốn đầu tư phát triển của nhà nước (đầu tư công) có một ý nghĩa quan trọng. Đầu tư công đóng vai trò tạo những nền tảng vật chất kỹ thuật quan trọng cho đất nước, là "cú huých" đối với một số ngành và vùng trọng điểm, đồng thời thúc đẩy thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Mặc dù có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, song đầu tư công vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết.
Trong những năm qua, việc chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường đòi hỏi phải thay đổi một cách căn bản cách thức quyết định, đối tượng mà Nhà nước phải đầu tư và phương thức tiến hành đầu tư. Những thay đổi này tuy đã diễn ra, song chưa thực sự phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và vẫn mang nhiều đặc tính của cơ chế bao cấp và nguyên tắc "xin - cho" trong quy trình quyết định và phân phối vốn đầu tư.
Bên cạnh những vấn đề mang tính tổng quát như vai trò đầu tư của Nhà nước, mục đích và ý nghĩa của đầu tư công trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, còn nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô cần tiếp tục nghiên cứu, từ việc xác định tỷ trọng hợp lý của đầu tư trong GDP và ngân sách nhà nước, đến việc lựa chọn và quyết định dự án, chương trình đầu tư, xác định cơ cấu đầu tư, chủ đầu tư, tổ chức thực hiện đầu tư, giám sát và đánh giá hiệu quả của đầu tư.
Ngoài ra, mỗi loại hình đầu tư công (đầu tư các công trình hạ tầng công cộng, đầu tư các dự án kinh tế, đầu tư các chương trình xã hội, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước) lại đòi hỏi những cách tiếp cận riêng để xử lý.
Hiệu quả thấp trong đầu tư công đã được nói đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, trong các cuộc hội thảo, diễn đàn. Không ít hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực đầu tư công diễn ra rất nghiêm trọng và gây ra mối quan ngại về tính hiệu quả của đầu tư công như lãng phí, tham nhũng, đầu tư dàn trải, đầu tư không đúng mục tiêu, v.v. Tất cả những vấn đề này bắt nguồn cả từ thể chế phân bổ và quản lý đầu tư công chưa hoàn thiện, lẫn từ sự yếu kém của cơ quan quản lý.
Trong thời kỳ tới, nền kinh tế Việt Nam phải chuyển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển chủ yếu theo chiều sâu. Mặt khác, việc tham gia ngày càng sâu và rộng hơn vào các quan hệ kinh tế quốc tế, sự mở cửa thị trường đầu tư theo các hiệp định quốc tế đã ký kết (WTO, AFTA, CAFTA, song phương) tạo ra môi trường và thị trường đầu tư khác hẳn so với trước đây.
Việc nghiên cứu chính sách đầu tư công của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, là nhiệm vụ có ý nghĩa cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Nghiên cứu, tổng kết và đánh giá thực tiễn đầu tư công trong 10 năm qua là công việc cần thết để thấy được những điểm yếu, rút ra những bài học và đề xuất cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách đầu tư công và hoàn thiện cơ chế quản lý. Có một số dự án và tác giả nghiên cứu về vấn đề đầu tư công trong thời gian gần đây ở Việt Nam, song số lượng không nhiều và quy mô không lớn, mặc dù vấn đề nghiên cứu này rất thiết thực và cấp bách. Tại các cơ quan nhà nước, các vấn đề về quản lý đầu tư công cũng được xem xét, nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế. Cuốn sách này là kết quả của một đề tài nghiên cứu khoa học của Viện Kinh tế Việt Nam chủ trì năm 2010, nhằm đóng góp thêm cách nhìn nhận và một số ý kiến vào cuộc thảo luận chung về đầu tư công trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội mới.
Trong cuốn sách này, chúng tôi sử dụng cách tiếp cận hệ thống, xem xét đầu tư công trong tổng thể lý luận về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội trong bối cảnh tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Trong phạm vi cuốn sách này, chúng tôi cũng giới hạn ở các vấn đề định hướng chính sách kinh tế vĩ mô, không đi sâu nghiên cứu các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý cụ thể đối với các dự án đầu tư. Chúng tôi tập trung nhiều hơn vào việc phân tích những điểm yếu, những điều cần sửa đổi trong mô hình tăng trưởng kinh tế hiện hành; chứ không nhằm trình bày tất cả các mặt có liên quan tới đầu tư công. Vì vậy, ở đây những thành tựu, những kết quả tốt của đầu tư công sẽ chỉ trình bày ở mức tối thiểu cần thiết.