Ở nước ta hiện nay, trí thức thường được hiểu là những người có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên. Nhưng thế nào là một trí thức thì hình như chưa bao giờ được cắt nghĩa một cách rõ ràng. Có thể nhiều cá nhân trí thức, nhưng điều kiện chính trị - kinh tế - xã hội đã cho phép họ tự hình thành một tầng lớp xã hội như là tầng lớp trí thức chưa? Phẩm tính của họ là gì? Vai trò và trách nhiệm của họ trong tiến trình phát triển của dân tộc như thế nào?...
Mỗi câu hỏi trên đây đều đặt ra một vấn đề thảo luận rất nghiêm túc, có ý nghĩa quan trọng đối với việc huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong quá trình đổi mới - hội nhập - phát triển của đất nước. Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa X của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra Nghị quyết về vấn đề trí thức đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi ý kiến rộng rãi về chủ đề này. Nhằm cung cấp thêm những thông tin cần thiết để bạn đọc tham gia thảo luận, Nhà xuất bản Tri thức trân trọng giới thiệu cuốn sách: “Về trí thức Nga”.
Đây là tập hợp các bài viết của các học giả - trí thức của nước Nga trước cách mạng tháng 10, của nước Nga thuộc Liên Xô cũ và của nước Nga thời kỳ “hậu Xô viết”. Chính kiến của họ rất đa dạng, có khi đối chọi nhau, nhưng đều trong tinh thần học thuật nghiêm túc và với ý thức trách nhiệm xã hội hết sức đáng trân trọng. Những người dịch và Ban biên tập NXB đã hợp tác để truyền tải trung thành ý tưởng và cách diễn đạt của các tác giả nhằm đưa đến cho bạn đọc bức tranh trung thực về tình cảnh của giới trí thức Nga từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX. Họ viết về chính họ, trong khung cảnh lịch sử và hoàn cảnh xã hội của riêng cho nước Nga. Nhưng những trăn trở, dồn nén và phản ứng (tích cực cũng như tiêu cực) của họ trước thời cuộc đáng để chúng ta quan tâm khi soi vào thực trạng tầng lớp sĩ phu - trí thức nước nhà.
Để hiểu thêm bối cảnh hình thành và diễn biến tư tưởng của tầng lớp trí thức (hay “có học”) của nước Nga trong giai đoạn ấy, chúng tôi xin lưu ý bạn đọc lời giới thiệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trọng.