“Xã hội học là khoa học nghiên cứu về xã hội và hệ thống các mối quan hệ xã hội của con người”. Nó ra đời vào giữa thế kỷ XIX, do Auguste Comte (1798-1857) sáng lập. Hơn 170 năm qua, kể từ ngày ra đời, Xã hội học đã phát triển mạnh mẽ và thu được nhiều thành tựu đáng kể tại các nước công nghiệp phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ. Nội dung nghiên cứu của nó ngày càng được hoàn thiện và phong phú. Nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu cùng với những trường phái lý thuyết khác nhau đã ra đời, góp phần làm cho Xã hội học ngày càng hiện đại và phát triển, có tác dụng bao quát được toàn bộ quá trình ra đời và phát triển của xã hội loài người. Ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ, Xã hội học trở nên quen thuộc với mọi người thông qua các hình thức thu thập thông tin xã hội của các cơ quan nghiên cứu Xã hội học, các viện nghiên cứu dư luận xã hội. Đồng thời, ở đó, Xã hội học cũng được đưa vào giảng dạy trong các trường đại học và phổ thông như một môn học bắt buộc, không chỉ ở các trường thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn, mà cả ở những trường thuộc khối khoa học kỹ thuật và kinh tế.
Sở dĩ như vậy là vì, theo Bruce J.Cohen và Terri L.Orbuch, các giáo sư Xã hội học thuộc Viện Đại học Michigan (Hoa Kỳ): “Xã hội học là khoa học nghiên cứu có hệ thống về đời sống của các nhóm người. Mặc dù là một ngành khoa học xã hội non trẻ, nhưng nó chứa đựng những nguyên lý khoa học nền tảng rất quan trọng nhằm soi sáng quá trình lịch sử xã hội của nhân loại và đưa ra những trị thức sâu sắc tiếp cận đến những khía cạnh xã hội có vấn đề. Bằng cách tiếp cận xã hội đa diện, Xã hội học chứng tỏ những giá trị cao của nó không chỉ đối với các nhà Xã hội học chuyên nghiệp, mà còn đối với những người thuộc các ngành khoa học khác”.
Ở Việt Nam, bộ môn Xã hội học có mặt cách đây trên 50 năm. Và kiến thức về Xã hội học không chỉ được giảng dạy đây đó trong nhà trường đại học, mà còn được vận dụng trong nghiên cứu khoa học. Đến năm 1995, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đưa bộ môn Xã hội học vào chương trình đào tạo của nhóm ngành khoa học xã hội - nhân văn ở các trường đại học và cao đẳng. Cũng do đó, trong nhiều năm qua, các tri thức về Xã hội học đã thâm nhập ngày càng sâu rộng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội ở nước ta như sản xuất - kinh doanh, quản lý - lãnh đạo, giáo dục - đào tạo, văn học - nghệ thuật, thể dục - thể thao, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ v.v... Nhu cầu ứng dụng những hiểu biết và phương pháp Xã hội học đang ngày càng tăng lên một cách rõ rệt. Các công trình nghiên cứu về Xã hội học đã góp phần đáng kể trong việc hoạch định những chính sách về kinh tế - xã hội ở Việt Nam.