Thế kỷ XX cho đến nay đang chứng kiến ba cuộc cách mạng lớn, hợp thành cách mạng khoa học công nghệ, đó là cách mạng công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin, và công nghệ sinh học. Ba cuộc các mạng này, tuy ba nhưng là một, chúng gắn bó mật thiết với nhau, đưa đến những thành tựu rực rỡ trong cuộc sống hàng ngày của mọi người.
Để đưa đất nước ta nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp hóa, với nền kinh tế tri thức hiện đại, hội nhập sâu rộng với quốc tế, điều quan trọng không chỉ là ứng dụng các thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ mà còn phải nghiên cứu, sáng chế ra các công nghệ mới.
Cách mạng công nghệ đòi hỏi máy móc mới, vật liệu mới, trí thức mới. Các công nghệ mới đang được chuyển giao vào Việt Nam ngày càng nhiều. Để sử dụng tối ưu các công nghệ và vật liệu mới, đội ngũ người lao động phải có kiến thức sâu rộng và trình độ ngày càng cao. Điều này được phản ánh rõ rệt trong thực tiễn sản xuất, do đó cần có cải tiến mới về chương trình và phương pháp trong giáo dục - đào tạo, gồm cả giáo dục phổ thông, dạy nghề, và đào tạo ở bậc đại học. Các máy móc, thiết bị, sản phẩm cơ khí, khi xuất khẩu ra nước ngoài đều phải ghi rõ chủng loại và xuất xứ của vật liệu chế tạo.
Cuốn sách Vật Liệu Cơ Khí Hiện Đại được soạn thảo cho đối tượng là học viên cao học, sinh viên đại học các ngành cơ khí và công nghệ, học viên các trường cao đẳng, trung cấp nghề, và trung cấp chuyên nghiệp, các kỹ sư thiết kế và kỹ sư công nghệ, công nhân tại các công ty cơ khí, các nhà quản lý công nghiệp, các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nội dung cuốn sách được sắp xếp một cách hệ thống gồm chín Chương, từ cơ bản đến nâng cao và chuyên sâu, bao quát các loại vật liệu kim loại, sứ gốm, và vật liệu polymer; các tính chất đặc trưng, đặc biệt là tính chất cơ học, các phương pháp cải thiện tính chất, và các hướng phát triển chính của vật liệu.