Trong điều kiện công nghệ, vật liệu xây dựng và điều kiện môi trường ở Việt Nam hiện nay, nhiều công trình hoặc bộ phận kết cấu đã phát sinh vết nứt ngay trong giai đoạn thi công hoặc chỉ sau một thời gian sử dụng ngắn. Như vậy có một nhu cầu rất quan trọng là phòng tránh và xử lý các dạng vết nứt phát sinh trong quá trình thi công và khai thác các công trình bê tông cốt thép. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra vết nứt đối với các cấu kiện bê tông như do cường độ chịu kéo kém của bê tông, co ngót, từ biến hoặc tại các vị trí đặc biệt trong kết cấu chịu ứng suất rất phức tạp làm cho vật liệu bê tông cốt thép thông thường không đủ khả năng chịu lực, ví dụ như bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép, ụ neo cáp của cầu dây giăng; các mối nối quan trọng giữa các đốt dầm trong các cầu ứng dụng công nghệ đúc hẫng hoặc lắp hẫng.
Để giải quyết vấn đề này, người ta đã sử dụng rất nhiều biện pháp như căng kéo cốt thép dự ứng lực, dùng các chất phụ gia chống co ngót, hay bố trí các loại cốt thép đặc biệt tại các vị trí cần thiết... Tuy nhiên các giải pháp này không phải trường hợp nào cũng có thể phát huy được tác dụng của nó. Bên cạnh đó các nhà khoa học còn tìm các giải pháp để tăng cường khả năng chụi lực của bê tông thông qua việc thay đổi một số tính chất của vật liệu này như cho thêm vào bê tông một số cốt liệu muội silic, các loại sợi...
Sợi dùng để gia cường bê tông có rất nhiều loại như sợi thép, sợi cácbon, sợi thuỷ tinh, sợi chất dẻo, sợi thực vật... Trong đó sợi thép là một chọn lựa khá hợp lí vì giá thành rẻ hơn so với sợi cácbon, sợi thuỷ tinh và khả năng chịu lực lớn hơn so với sợi chất dẻo, sợi thực vật.
Cuốn sách "Bê tông cốt sợi thép" Gồm có những nội dung chính sau:
*Chương I: Cấu tạo chung của bê tông cốt sợi
* Chương II: Tính chất của bê tông cốt sợi thép
* Chương III: Nghiên cứu thực nghiệm về bê tông cốt sợi thép
* Chương IV: Cơ sở tính toán kết cấu bê tông cốt sợi thép