Hiện nay khi thiết kế đập tràn trọng lực đều theo quy phạm tính toán thủy lực đập tràn QP.TL.C-8-76. Quy phạm này chỉ phù hợp với mặt cắt tràn dạng Ôphixêrốp. Từ năm 1999 đến nay, do yêu cầu cung cấp điện, nước cho các khu công nghiệp, đô thị và dân sinh kinh tế... nhiều công trình thủy lợi, thuỷ điện lớn đã được thiết kế và xây dựng. Đồng thời với sự trao đổi khoa học kỹ thuật và tư vấn của chuyên gia nước ngoài nên một số đập tràn đã được thiết kế và xây dựng với mặt cắt dạng WES như: Bình Điền, Sông Tranh 2, Cửa Đạt, Sơn La... Trong quá trình thiết kế vì chưa có quy phạm mới nên người thiết kế chưa có cơ sở để vận dụng, do đó khi thiết kế loại đập tràn của một số công trình vừa qua chưa được thống nhất.
Cuốn sách "Đập tràn thực dụng" được viết trên cơ sở tập hợp phương pháp xác định các thông số thuỷ lực chính để lựa chọn mặt cắt tràn dạng WES của Mỹ và Trung Quốc, cũng như những kết quả áp dụng ban đầu ở Việt Nam.
Cuốn sách cũng nêu một số kết quả nghiên cứu và thực nghiệm về dòng lưu tốc cao lần đầu tiên tiến hành ở nước ta. Sách là tài liệu tham khảo cho các cán bộ nghiên cứu, nghiên cứu sinh và sinh viên ngành công trình thủy, cũng như các kỹ sư thiết kế công trình thủy lợi, thủy điện.
Nội dung sách gồm 3 chương như sau:
- Chương I: Giới thiệu chung đập tràn thực dụng.
- Chương II: Dòng chảy lưu tốc cao.
- Chương III: Tiêu năng dòng phun và xói hạ lưu tràn xả lũ.