Việc phát triển kinh tế xã hội đô thị luôn đòi hỏi sự phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị như: Hệ thống giao thông đô thị, hệ thống cấp thoát nước đô thị, hệ thống cấp điện đô thị, hệ thống thông tin liên lạc...
Trong nền kinh tế kế hoạch tập trung và bao cấp trước đây, phần lớn cơ sở hạ tầng đô thị bị xếp vào khu vực phi sản xuất, không trực tiếp tạo ra thu nhập quốc dân, vì vậy Chính phủ quan tâm chưa thoả đáng cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị. Mặt khác, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng khó thu hồi trực tiếp, phát huy hiệu quả chậm và bảo trì hệ thống trong thời gian dài, vì thế trong điều kiện ngân sách eo hẹp, Chính phủ đành phải “tạm gác” lại nhiều dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị để tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt như nhà ở, việc làm, bệnh viện, trường học...
Cùng với sự đầu tư ít ỏi, nhỏ giọt, năng lực quản lý yếu kém đã làm cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị vừa thiếu lại vừa yếu. Sự kém cỏi thể hiện cả trong quản lý vĩ mô và trong quản lý vi mô: từ khâu quy hoạch, đầu tư và xây dựng đến vận hành, sửa chữa, đến tinh thần trách nhiệm, kiến thức và tay nghề của những người trong bộ máy quản lý.
Ngày nay, trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, nền kinh tế thị trường dần được hình thành, Chính phủ đang tích cực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm theo kịp sự phát triển và coi đây là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đô thị. Diện mạo đô thị Việt Nam đang thay đổi từng ngày do Nhà nước đã đầu tư lớn vào hạ tầng kỹ thuật đô thị như các đường phố mới mở, các tuyến cống rãnh được cải tạo và xây dựng mới...
Tuy vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị tăng đột biến, nhưng tiềm ẩn sự phát triển thiếu bền vững vì kinh phí dành cho việc vận hành và duy tu sửa chữa thấp xa mức cần thiết tối thiểu, hệ thống giáo dục chỉ chú trọng đào tạo nhân sự cho việc xây dựng công trình mà ít quan tâm đến nhu cầu nhân lực cho việc quản lý vận hành và duy tu sửa chữa các công trình sở hạ tầng đô thị. Vì vậy, việc tăng cường đào tạo nhân lực quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị là việc làm cần thiết và cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
Nội dung sách gồm 7 chương như sau:
• Chương 1: Khái niệm chung về quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị.
• Chương 2: Cơ cấu tổ chức quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị.
• Chương 3: Hệ thống thông tin quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị.
• Chương 4: Lập kế hoạch quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị.
• Chương 5: Sự hình thành dịch vụ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị.
• Chương 6: Khai thác hệ thống dịch vụ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị.
• Chương 7: Kế hoạch ngân sách và vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị