Tác giả: Quốc hội
Số trang: 128 trang
Bộ luật lao động của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội khóa IX thông qua tại kỳ họp thứ năm, ngày 23-6-1994; có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-1995. Sau hơn bảy năm thi hành Bộ luật, nhiều quy định của Bộ luật đã không còn đáp ứng được những đòi hỏi của những mối quan hệ mới về lao động phát sinh trong tiến trình đổi mới đất nước và sự đồng bộ của cả hệ thống pháp luật đã từng bước hoàn thiện. VÌ vậy, ngày 02-4-2002 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động; Luật này có hiệu lực từ ngày 01-01-2003. Mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung năm 2002, nhưng sự phát triển mới về kinh tế - xã hội của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay, những quy định về quyền lợi của người lao động và giải quyết tranh chấp lao động của Bộ luật này đã bộc lộ những khiếm khuyết nhất định, đòi hỏi phải được sửa đổi kịp thời. Do đó, ngày 29-11-2006 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động; Luật này có hiệu lực từ ngày 01-7-2007. Ngày 02-4-2007 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XI đã tiếp tục thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật lao động năm 2007. Theo quy định của Luật này thì người lao động sẽ được hướng thêm 1 ngày nghỉ lễ vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương là ngày 10 tháng 3 âm lịch. Luật này có hiệu lực từ ngày 11-4-2007 là ngày công bố Luật.
Đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc trong việc tìm hiểu và thực thi những quy định của Bộ luật lao động một cách chính xác và có hệ thống qua các lần sửa đổi, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn Bộ luật lao động của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Sửa đổi, bổ sung các năm 2002, 2006, 2007).
Cuốn sách này là văn bản hợp nhất Bộ luật lao động qua các lần sửa đổi, bổ sung.