Tác giả: LG. Trương Hồng Quang
Số trang: 144
Giá tiền: 23.000 đồng
Công tác tiếp dân hiện nay đang ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết trong sinh hoạt đời sống xã hội, quản lý nhà nước và trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan hành chính nhà nước nói riêng. Đây là cầu nối trực tiếp, hữu hiệu nhất để lãnh đạo chính quyền, cán bộ, công chức nhà nước gần và sát dân hơn. Thông qua tiếp dân, cán bộ lãnh đạo sẽ có cơ hội nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những băn khoăn, trăn trở của Nhân dân, tạo được niềm tin trong Nhân dân, góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp. Thông qua tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, công dân có thể giám sát, tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về tiếp công dân; các cơ quan, tổ chức đã triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác này. Chính vì vậy, công tác tiếp công dân đã thu được những kết quả nhất định: các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của mình; nhiều đồng chí lãnh đạo đã trực tiếp tiếp công dân theo quy định, từng bước khắc phục tình trạng khoán trắng cho một số cơ quan chuyên môn; tổ chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp ngay từ nơi phát sinh; chấn chỉnh những việc làm sai trái của cán bộ, cơ quan cấp dưới; hướng dẫn công dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật về tiếp công dân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với công tác tiếp công dân thời gian qua. Quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của Trụ sở tiếp công dân, bộ phận làm công tác tiếp dân giữa các văn bản trước đây còn có sự khác nhau, thiếu thống nhất; nhiệm vụ, quyền hạn của Trụ sở tiếp công dân, người phụ trách Trụ sở tiếp công dân, công chức làm công tác tiếp công dân chưa được quy định đầy đủ và rõ ràng; quyền và nghĩa vụ của công chức tiếp công dân, của người phụ trách Trụ sở tiếp công dân; tiêu chuẩn, chế độ chính sách đối với công chức tiếp công dân; trình tự, thủ tục tiếp công dân, công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, v.v. chưa được quy định đầy đủ và cụ thể.
Xuất phát từ những yêu cầu trên, Luật tiếp công dân đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25-11-2013, với 9 chương và 36 điều, quy định về trách nhiệm trong việc tiếp công dân và giải đáp các thắc mắc về quyền và nghĩa vụ của người dân đến kiến nghị, phản ánh. Sự ra đời của đạo luật này đã xây dựng một hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh về việc tổ chức và tiếp công dân, đồng thời bảo đảm công khai, dân chủ.
Để giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm rõ những nội dung chính của Luật này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Hỏi - đáp Luật tiếp công dân năm 2013 gồm 77 câu hỏi và trả lời.