Bước vào thế kỷ XXI, cuộc cách mạng về công nghệ thông tin đang tiến triển với tốc độ nhảy vọt, trở thành một trong những động lực quan trọng của sự phát triển, làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trên toàn thế giới. Công nghệ thông tin đã có mặt ở hầu hết các lĩnh vực. Trong lĩnh vực hợp đồng, thông qua phương tiện điện tử, mạng Internet, các chủ thể có thể giao kết hợp đồng mà không cần gặp mặt nhau trực tiếp để đàm phán, thương lượng. Quan hệ hợp đồng điện tử thiết lập qua mạng Internet có nhiều đặc điểm khác biệt. Vì những yếu tố khác biệt đó mà một khuôn khổ pháp lý về hợp đồng điện tử đã dần dần hình thành. Ngày nay, ở nhiều nước trên thế giới, bên cạnh các đạo luật về hợp đồng truyền thống, người ta đã phải sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những quan hệ họp đồng được giao kết bằng phương tiện điện tử.
Kể từ năm 2005 đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo dựng một nền tảng pháp lý cơ bản cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, khởi đầu bằng việc ban hành Luật Giao dịch điện tử và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành sau đó. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện pháp luật về hợp đồng điện tử những năm vừa qua cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần hoàn thiện. Mặt khác, do đây là vấn đề mới, lại luôn có sự thay đổi và phát triển nhanh do tác động của yếu tố công nghệ, nên có nhiều vấn đề pháp lý đang và sẽ tiếp tục phát sinh tác động tới mô hình pháp luật điều chỉnh việc giao kết hợp đồng điện tử, đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả điều chỉnh pháp luật, từ đó thúc đẩy hơn nữa việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.
Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về hợp đồng điện tử trong giai đoạn tiếp theo cần xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn nào? Đây là nhiệm vụ có tính cấp thiết và thời sự đang đặt ra cho các nhà nghiên cứu luật học cần phải làm rõ. Cuốn sách chuyên khảo Hợp Đồng Điện Tử Theo Pháp Luật Việt Nam của Tiến sỹ Luật học Trần Văn Biên (Viện Nhà nước và Pháp luật) sẽ phần nào giải mã các câu hỏi nêu trên.
Đây là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc và có nhiều đóng góp mới cho sự phát triển của khoa học pháp lý chuyên ngành. Nội dung của cuốn sách chuyên khảo chứa đựng nhiều thông tin, kiến nghị, đề xuất có giá trị tham khảo tốt đối với hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập cũng như hoạt động xây dựng, hoàn thiện và áp dụng pháp luật về hợp đồng nói chung và hợp đồng điện tử nói riêng.