Năm 1901, một đoàn nghiên cứu khảo cổ người Pháp đã tìm được một phiến đá bazan cao 2,25m ở thành phố Suse thuộc Iran ngày nay. Trên phiến đá khắc Bộ luật Hammurabi của Nhà nước Lưỡng Hà cổ đại - bộ luật thành văn cổ xưa nhất của nhân loại và là một trong những thành tựu có giá trị bậc nhất của lịch sử văn minh cổ đại.
Bộ luật Hammurabi ra đời trong khoảng thời gian từ năm 1792 đến 1750 trước công nguyên và mang tên của vị vua đã ban hành bộ luật, vua Babilon thứ sáu.
Nguyên tắc cơ bản được quán triệt trong toàn bộ Bộ luật Hammurabi là nguyên tắc công bằng, trong đó công bằng có nghĩa là áp dụng hình phạt ngang bằng với thiệt hại mà kẻ phạm tội gây ra. Có thể nói, chưa có bộ luật nào áp dụng triệt để nguyên tắc Talion (mắt đền mắt, răng đền răng) như Bộ luật Hammurabi.
Bộ luật Hammurabi có nhiều quy định mang nội dung tiến bộ, thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc. Ngay trong phần mở đầu, vua Hammurabi đã khẳng định lý do ban hành Bộ luật này là để cho “kẻ mạnh không còn ức hiếp được người yếu”. Trong từng điều luật cụ thể, giá trị nhân văn cũng được thể hiện qua những quy định về cách đối xử với con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bảo vệ quyền lợi của người tự do, của giai cấp chủ nô và cả quyền lợi của nô lệ. Theo đó, nô lệ được quyền kết hôn với người tự do, khi ốm được hưởng quyền chữa bệnh, người nào vì nợ nần mà phải làm nô lệ thì thời gian làm nô lệ cũng không quá ba năm…
Bên cạnh giá trị về mặt nội dung, Bộ luật Hammurabi còn thể hiện sự tiên tiến về mặt kỹ thuật lập pháp với một cấu trúc khá hoàn chỉnh. Được chia thành 3 phần rõ rệt: phần mở đầu, phần nội dung và phần kết luận, Bộ luật phản ánh khái quát các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như mọi mặt sinh hoạt vật chất và tinh thần của xã hội Lưỡng Hà thời cổ đại, xã hội có bước chuyển sớm từ dã man sang văn minh. Dùng lời văn sáng sủa, dễ hiểu, các điều luật được xây dựng theo phương pháp liên hoàn, móc xích nhau, thể hiện tính chặt chẽ và khả năng bao quát lớn. Nội dung của Bộ luật gồm 282 điều, nhưng chỉ có 247 điều đọc được, 35 điều còn lại được cho là bị quân xâm lược Êlam cạo đi khi cướp Bộ luật đem về thành Suse.
Đến nay, giá trị của Bộ luật này vẫn được nhiều nhà khoa học trong nước và trên thế giới tiếp tục nghiên cứu và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu Bộ luật Hammurabi chủ yếu mới khai thác Bộ luật dưới góc độ sử học mà ít khảo cứu về phương diện luật học.
Cuốn sách của tác giả Nguyễn Anh Tuấn là một trong số những tài liệu còn chưa nhiều ở Việt Nam nghiên cứu về Bộ luật Hammurabi, tiếp cận theo hai phương diện: phương diện khái quát chung và phương diện từng điều luật cụ thể. Tương ứng, cuốn sách chia làm hai phần chính: Phần I. Tổng luận về Bộ luật Hammurabi; Phần II. Bình luận Bộ luật Hammurabi. Nếu như phần I tiếp cận Bộ luật theo chiều dọc trên cơ sở hệ thống hóa các điều luật thành từng cụm vấn đề: vấn đề hình sự, vấn đề dân sự - thương mại, vấn đề hôn nhân gia đình, thì phần II đi sâu phân tích, bình luận từng điều luật cụ thể của Bộ luật.
Với một nguồn tư liệu phong phú và có giá trị chân thực, bổ sung cho những hiểu biết của chúng ta về cuộc sống, truyền thống và quan hệ của những cư dân ở vào thời đại cách xa chúng ta ngày nay đến gần 4000 năm lịch sử, cuốn sách là một tài liệu tham khảo hữu ích đối với học sinh, sinh viên các trường đại học cũng như mọi đối tượng bạn đọc quan tâm tới lĩnh vực cổ luật. Sách gồm 344 trang, giá 48.000đ.
GIAO LINH