Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế của công dân cho phép công dân được để lại thừa kế tài sản của mình cho người khác theo di chúc hoặc theo pháp luật. Điều 58 Hiến pháp năm 1992 quy định: "Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân".
Thừa kế và di sản thừa kế là vấn đề mang tính kinh tế, mang tính xã hội truyền thống nhưng cũng là vấn đề phức tạp về mặt pháp lý. Có thể nói, di sản thừa kế là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc làm phát sinh và thực hiện quan hệ dân sự về thừa kế.
Trong thực tế, các vụ tranh chấp về thừa kế ngày càng gia tăng, phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi, nên việc giải quyết các án kiện thừa kế trong đó việc xác định di sản thừa kế gặp nhiều khó khăn; có nhiều vụ kéo dài nhiều năm hoặc qua nhiều cấp xét xử. Hàng năm, Tòa án nhân dân (TAND) các cấp đã thụ lý và xét xử sơ thẩm trên dưới 3.000 vụ án về thừa kế. Qua công tác xét sử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm cho thấy số vụ xét xử sai bị hủy án, sửa án còn khá cao. Nguyên nhân có nhiều, trong đó phải kể đến một số quy định của pháp luật liên quan đến di sản thừa kế mới chỉ dừng lại ở tính chất khung hoặc mang tính nguyên tắc chung, chưa chi tiết, chưa cụ thể, chưa theo kịp với sự phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đặc biêtj là các văn bản hướng dẫn áp dụng cho từng chương và từng vấn đề cụ thể chưa có. Vì vậy, về phương tiện khoa học còn nhiều quan điểm chưa thống nhất; thực tiễn áp dụng Bộ luật Dân sự (BLDS) khi giải quyết tranh chấp còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là các tranh chấp về thừa kế. Trong đó, việc xác định di sản thừa kế - yếu tố quan trọng hàng đầu đối với việc giải quyết các án kiện về thừa kế còn nhiều nan giải cả về mặt lý luận và trong thực tiễn áp dụng.
Xin trân trọng giới thiệu!