Chẩn đoán có vai trò rất quan trọng trong quản lý dịch bệnh ở động vật thủy sản. Khác với động vật trên cạn, thủy sản sống ở dưới nước với số lượng cá thể được thả nuôi cao và luôn chịu tác động của các yếu tố vô sinh và hữu sinh có trong môi trường sống của chúng. Do vậy, quá trình xét nghiệm bệnh phẩm thủy sản thường thu được kết quả chẩn đoán là các tác nhân gây bệnh cơ hội. Kết quả chẩn đoán bệnh phụ thuộc rất lớn vào kiến thức về bệnh ở động vật thủy sản và trình độ kỹ thuật của người thực hiện công việc chẩn đoán, tính sẵn có của phương pháp chẩn đoán đang được áp dụng ở phòng thí nghiệm là thực hiện việc xét nghiệm và những phương pháp chẩn đoán được phát triển trên cơ sở các loài địa phương.
Để đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên, giáo trình Nguyên lý và kỹ thuật chẩn đoán bệnh thủy sản được biên soạn nhằm mục đích cung cấp những kiến thức về nguyên lý, phương pháp thực hiện và ứng dụng các kỹ thuật chẩn đoán bệnh ở động vật thủy sản trong thực tiễn sản xuất một số đối tượng nuôi thủy sản chủ lực.
Giáo trình được biên soạn dựa trên các nguồn tài liệu nước ngoài, các nghiên cứu của các đồng nghiệp trong nước và của nhóm nghiên cứu bệnh thủy sản trường Đại học Cần Thơ. Kiến thức trong giáo trình bao gồm những nguyên tắc cơ bản trong chẩn đoán bệnh thủy sản và các kỹ thuật chuyên môn hẹp đang được ứng dụng để chẩn đoán bệnh ở động vật thủy sản hiện nay. Giáo trình được sử dụng để làm tài liệu học tập hoặc tham khảo cho sinh viên, học viên cao học ngành nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản và chuyên ngành có liên quan.
TS. Đặng Thị Hoàng Oanh
Xin trân trọng giới thiệu!