Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Tại đây luôn đòi hỏi phải thu hút nguồn nhân lực với số lượng và chất lượng cao đáp ứng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Kèm theo đó, yêu cầu phát triển thị trường bất động sản nhà ở, trong đó có nhà ở thương mại là một vấn đề cấp thiết được đặt ra trong bối cảnh của một thành phố lớn nhất nước và đông dân cư.
Thực hiện chủ trương xóa bỏ bao cấp, thực hiện xã hội hóa nhà ở nói chung và nhà ở thương mại nói riêng đòi hỏi phải nghiên cứu cơ chế đầu tư, các chính sách liên quan trực tiếp đến phát triển nhà ở thương mại tại TP.HCM nhằm đảm bảo cho công dân có chỗ ở phù hợp với khả năng thu nhập, từng bước cải thiện chỗ ở của các tầng lớp dân cư, tạo ra các khu dân cư văn minh, hiện đại.
Thị trường nhà ở thương mại phát triển chưa ổn định nếu xét trên khía cạnh phát triển bền vững, cung cầu, giá cả và tác động của thị trường đến phát triển kinh tế. Các kết quả nghiên cứu của sách chuyên khảo Chính sách Phát triển Nhà ở Thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh - Lý luận và Thực tiễn sẽ góp phần thúc đẩy thị trường BĐS nhà ở tại TP.HCM phát triển lành mạnh, minh bạch; sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực đất đai, tài chính và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường BĐS nhà ở thương mại.
Về phương diện lý thuyết, các tác giả cuốn sách đã tiếp cận các lý thuyết hiện đại về thị trường nhà ở thương mại, các lý thuyết về chính sách cũng như các công cụ của chính sách liên quan đến nhà ở thương mại; trên góc độ kinh tế học để xem xét cung cầu và giá cả nhà ở thương mại, lý thuyết tín dụng và tài chính công hiện đại được thể hiện trong các chính sách có liên quan đến nhà ở thương mại. về phương diện thực tiễn, các tác giả đã tiếp cận kinh nghiệm của một số nước về phát triển nhà ở thương mại và trên cơ sở đó chọn lọc và vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của TP.HCM. Cuốn sách tiếp cận trên bình diện vĩ mô sự vận dụng chính sách, luật pháp của nhà nước về thị trường nhà ở thương mại, và trên cơ sở đó phân tích, đánh giá các mặt mạnh, yếu của chính sách từ năm 2006 đến năm 2010 và hoàn thiện chính sách nhằm phát triển thị trường nhà ở thương mại tại TP.HCM đến năm 2015.
Thị trường BĐS nói chung và thị trường nhà ở trong đó có nhà ở thương mại nói riêng hoạt động ở Việt Nam với khoảng thời gian còn quá ngắn (trong vòng 15 năm), việc vận dụng các công cụ kinh tế của Nhà nước trong quản lý và thúc đẩy hoạt động của thị trường còn nhiều khiếm khuyết. Do vậy, kết quả nghiên cứu thể hiện trong cuốn sách này đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong việc hoàn thiện các chính sách, cơ chế phối hợp nhằm kích thích thị trường phát triển theo đúng các quy luật kinh tế khách quan của kinh tế thị trường.