Kỹ thuật điện nghiên cứu những ứng dụng của các hiện tượng điện tử nhằm biến đổi năng lượng và tín hiệu, bao gồm việc phát, truyền tải, phân phối và sử dụng điện năng trong sản xuất và đời sống. Ngày nay điện năng được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực vì những ưu điểm cơ bản sau đây:
- Điện năng được sản xuất tập trung với các nguồn công suất lớn
- Điện năng có thể được truyền tải đi xa với hiệu suất cao
- Dễ dàng biến đổi điện năng thành các dạng năng lượng khác
- Nhờ điện năng có thể tự động hoá mọi quá trình sản xuất nâng cao năng suất lao động.
So với các dạng năng lượng khác như: cơ, nhiệt, thuỷ, khí,.... điện năng được phát hiện chậm hơn vì con người không cảm nhận trực tiếp được các hiện tượng điện tử. Tuy nhiên với việc phát hiện và sử dụng điện năng đã thúc đẩy cách mạng khoa học công nghệ tiến như vũ bão sang kỷ nguyên điện khí hoá, tự động hoá.
Việt Nam có tiềm năng to lớn về năng lượng nhưng do hậu quả chiến tranh kéo dài và cơ chế quản lý quan liêu bao cấp nên sản xuất còn lạc hậu. Năm 1975 cả nước chỉ sản xuất 1.5 tỷ kwh, năm 2003 có thể đạt 41 tỷ kwh với sản lượng điện bình quân 500 kwh/1 người 1 năm. Theo lộ trình phát triển tới năm 2010 sẽ đạt 70 tỷ kwh, ... Để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện đến năm 2015 Việt Nam sẽ tiến hành xây dựng 61 nhà máy điện với tổng công suất 21.658MW,.....
Giáo trình được biên soạn trên cơ sở người đọc đã học môn Kỹ thuật điện và Vật lý ở bậc phổ thông, phần điện môn Vật lý đại cương ở bậc đại học nên không đi sâu vào mặt lý luận các hiện tượng vật lý mà chủ yếu nghiên cứu các phương pháp tính toán và những ứng dụng kỹ thuật của các hiện tượng điện tử.
Giáo trình Kỹ thuật điện gồm 3 phần:
- Phần 1: Cung cấp các kiến thức cơ bản về mạch điện, phương pháp tính toán mạch điện, chú ý đối với dòng điện hình sin và ba pha
Phần 2: Cung cấp các kiến thức về nguyên lý, cấu tạo, đặc tính và ứng dụng các loại máy điện
Phần 3: Cung cấp các kiến thức về điện tử công suất và điều khiển máy điện.
MỤC LỤC:
Lời nói đầu
Phần 1: Mạch điện
Chương 1: Những khái niệm cơ bản về mạch điện
Chương 2: Dòng điện sin
Chương 3: Các phương pháp phân tích mạch điện
Chương 4: Mạch ba pha
Chương 5: Quá trình quá độ trong mạch điện
Chương 6: Mạch điện phi tuyến
Phần 2: Máy điện
Chương 7: Khái niệm chung về máy điện
Chương 8: Máy biến áp
Chương 9: Máy điện không đồng bộ
Chương 10: Máy điện đồng bộ
Chương 11: Máy điện một chiều
Phần 3: Điện tử công suất và điều khiển máy điện
Chương 12: Điện tử công suất
Chương 13: Điều khiển máy điện
Trân trọng giới thiệu!