Bút một núi vượt gian truân khổ luyện
Giấy cả rừng lót bước đến thành công
Mực đầy sông chở con đò tri thức
Đưa ta về bờ bến của thăng hoa.
Nếu hội hoạ là nghệ thuật của màu sắc và đường nét, âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh, tiết tấu, thơ văn là nghệ thuật của văn tự. Mà tiếng nói, chữ viết là di sản văn hoá phi vật thể. Do vậy việc làm thăng hoa cái đẹp thị giác của chữ viết là một khía cạnh cuảa văn hoá. Từ sự giàu có về âm thanh ngữ điệu, một ngôn ngữ gợi cảm, đa sắc thái, giàu tính nghệ thuật của tiếng Việt giờ đây một lần nữa tiếng Việt được thêm hương thêm sắc qua những đường nét của nghệ thuật thư pháp.
Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, nghệ thuật luôn có sự vận động để thích ứng với hoàn cảnh thời đại mà chính nó đang tồn tại. Thật vậy, từ buổi thoái trào của thư pháp qua cảnh “Ông đồ vẫn ngồi đấy, qua đường không ai hay” trong thơ Vũ Đình Liên cho đến nay, có thể nói nghệ thuật thư pháp Việt đã cách tân và khởi sắc, nó làm một cuộc đổi mới ngoạn mục. Đó là sự xuất hiện của thư pháp Việt như một phương thức biểu thị và lưu truyền, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thật ra sự cách tân là một quy luật phát triển nghệ thuật truyền thống và thúc đẩy quá trình tiến hoá của nó, làm giàu các hình thức thể loại, phương tiện và hình thức thể hiện.
Tuy vậy xung quanh môn “thư pháp Việt” vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, có người không đồng tình, có người chấp nhận ở mặt này không tán thành ở mặt khác. Nhiều ý kiến đóng góp xây dựng, có ý kiến gợi ý dẫn dắt cũng có ý kiến chê bai phê phán. Thiết nghĩ, đó cũng là quy luật phát triển của nghệ thuật bởi đây là một bộ môn còn khá non trẻ.