Vào giữa thế kỷ 19 với sự xâm nhập ồ ạt của chủ nghĩa tư bản phương Tây, các nước phương Đông đều đứng trước những thách thức vô cùng to lớn: hoặc bị xâm chiếm, biến các nước thuộc địa, hoặc từng bước trở thành các nước phụ thuộc, hoặc phải ký kết các hiệp ước bất bình đẳng với các nước phương Tây. Trong tình hình đó, các nước phương Đông đều đã xuất hiện các nhà tư tưởng chủ trương mở cửa, cải cách, học tập chính nền văn minh phương Tây để tiến kịp các nước phương Tây, bảo vệ độc lập cho đất nước. Fukuzawa Yukichi của Nhật Bản và Nguyễn Trường Tộ của Việt Nam là những nhà tư tưởng như vậy.
Fukuzawa Yukichi là nhà khai sáng và nhà giáo dục lừng danh của Nhật Bản vào nửa sau thế kỷ 19. Ông là người đả phá mạnh mẽ lối hư học, chủ trương giáo dục thực học, cổ vũ việc học tập văn minh phương Tây, xây dựng nền giáo dục cận đại, tiến tiến của Nhật Bản. Chính phủ Minh Trị, đặc biệt là bộ Giáo dục Nhật Bản đã tiếp nhận và thực thi những tư tưởng giáo dục của ông, đem tới những thành tựu vô cùng to lớn trong sự nghiệp cận đại hóa đất nước.
Nguyễn Trường Tộ là nhà tư tưởng cải cách nổi tiếng của Việt Nam giữa thế kỷ 19. Tư tưởng cải cách của ông được trình bày gần 60 điều trần mà ông liên tục gửi cho triều đình nhà Nguyễn trong gần 10 năm, từ năm 1863 đến năm 1871. Trong lĩnh vực giáo dục, những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ mang tính tiên phong, có nội dung phong phú, sâu sắc. Ngay từ đầu thế kỷ 20, những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ đã được đánh giá cao.
Hiện nay, nước ta đang trong quá trình cải cách và hòa nhập với thế giới. Chúng ta cũng đã nhiều lần cải cách giáo dục, nhưng giáo dục vẫn là vấn đề có nhiều bất cập và nan giải. Việc tìm hiểu và so sánh tư tưởng cải cách giáo dục của hai nhà tri thức Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ sẽ góp phần vào việc suy ngẫm về con đường cải cách giáo dục ở nước ta. Hy vọng cuốn sách mỏng, nhỏ bé này sẽ hữu ích đối với tất cả chúng ta.