Tác giả: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III – Thông tấn xã ViệtNam
"Điện Biên Phủ trên không" là cụm từ mà báo chí phương Tây ngày ấy đã đưa ra để diễn tả thất bại cuộc tấn công chiến lược của đế quốc Mỹ ở Thủ đô Hà Nội – chiến dịch Lainơbếchcơ II (Linebacker II) – chiến dịch quân sự cuối cùng của Hoa Kỳ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chiến tranh Việt Nam. Kéo dài từ ngày 18-12 đến ngày 29-12-1972, chiến dịch này là sự nối tiếp của chiến dịch ném bom "Lainơbếchcơ" diễn ra từ tháng 4 đến tháng 12-1972. Cho rằng, đối phương không thể có cách chống đỡ và không còn một sinh vật nào tồn tại nổi dưới những trận mưa bom kinh khủng của loại máy bay ném bom chiến lược B.52 được gọi là "pháp đài bất khả xâm phạm", đế quốc Mỹ đã sử dụng máy bay chiến lược B.52, cường kích "cánh cụp cánh xòe" F.111 và hàng ngàn chiến đấu cơ tiêm kích chiến thuật, cùng sự hỗ trợ của 5 tàu sân bay tấn công Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương lân cận của miền Bắc Việt Nam, nhằm buộc ta phải chấp nhận những điều kiện áp đặt của họ trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris.
Tuy nhiên, cuộc tập kích chiến lược ồ ạt và tàn bạo bằng B.52 của Mỹ đã thất bại thảm hại. Quán triệt sâu sắc lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ dùng B.52 ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng họ chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội, quân và dân ta với sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân, sau 12 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, mưu trí, sáng tạo, đã bắn rơi 81 máy bay của Mỹ, trong đó có 34 "pháo đài bay chiến lược" B.52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F.111 (2 chiếc rơi tại chỗ) và 42 máy bay chiến thuật các loại... Trong những đợt "không kích" năm 1972, đế quốc Mỹ đã huy động hơn 40.000 lần máy bay bắn phá miền Bắc Việt Nam, trong đó có hơn 3.250 lần chiếc B. 52, nhưng với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", đến ngày 29-12-21972, riêng Hà Nội, đã bắn rơi 23 chiến B.52, nhiều chiếc bị rơi ngay tại chỗ và bắt sống nhiều giặc lái...
Không những bị tổn thất nặng nề về máy bay ném bom chiến lược, Mỹ còn bị làn sóng phản đối kịch liệt, sự lên án dữ dội của nhân dân Mỹ và của những người có lương tri, yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới. Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Risớt Níchxơn – một nhân vật "diều hâu" hiếu chiến khét tiếng, đã phải ra lệnh chấm dứt không điều kiện cuộc tập kích, chấp nhận thua trên bầu trời Hà Nội, để rồi sau đó buộc phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán để ký kết Hiệp định Pari vào ngày 27-1-1973. Trong đó, Mỹ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ViệtNam, cam kết sẽ không dính líu về quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam ViệtNam, cam kết rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh của Mỹ về nước...
Thắng lợi của "Điện Biên Phủ trên không" – nhân tố thắng lợi của giai đoạn "đánh cho Mỹ cút", đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho nhân dân ta tiến lên "đánh cho ngụy nhào" trong đại thắng mùa Xuân năm 1975. Lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài thơ "Mừng Xuân 1969" đã trở thành sự thật. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước ta hoàn toàn độc lập, thống nhất – non sông liền một dải, kết thúc trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Để thiết thực góp phần kỷ niệm 40 năm chiến thắng lẫy lừng của quân và dân ta trong 12 ngày đêm chiến đấu và chiến thắng sức mạnh quân sự Mỹ trên bầu trời Hà Nội "Điện Biên Phủ trên không", Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách 40 năm Điện Biên Phủ trên không qua tư liệu ảnh (1972-2012).
Cuốn sách giới thiệu gần 200 bức ảnh có chú thích – những tư liệu ảnh có giá trị lịch sử do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và Thông tấn xã Việt Namcung cấp. Để bạn đọc có được góc nhìn xuyên suốt hơn, toàn diện hơn về mức độ khốc liệt và chiến thắng hào hùng của trận "Điện Biên Phủ trên không" như cái kết tất yếu cho sự tàn bạo, hiếu chiến đến cùng của đế quốc Mỹ; sự kiên cường, quả cảm của tinh thần thép, của ý chí Việt Nam đã làm nên thắng lợi của chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" cũng như thắng lợi vang dội của Việt Nam tại Hội nghị Paris năm 1973. Trong cuốn sách này, nên cạnh những hình ảnh về trận chiến "Điện Biên Phủ trên không" diễn ra trong 12 ngày đêm lịch sử vào cuối năm 1972, Nhà xuất bản còn giới thiệu một số bức ảnh về cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ ở miền Bắc từ đầu năm 1972 đến trước khi diễn ra trận "Điện Biên Phủ trên không" và những bức ảnh ghi nhận lại diễn biến và chiến thắng của Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Mỹ rút quân về nước.