I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1660 - 1783
Tác giả: Alfred Thayer Mahan
Dịch giả: Phạm Nguyên Trường
Khổ sách: 16 x 24 cm
Số trang: 668 trang
Giá bìa: 160.000 VNĐ
Tủ sách: Tủ sách Tinh hoa
Loại bìa: Bìa mềm, tay gập
Năm xuất bản: 2012
II. GIỚI THIỆU SÁCH
1. Về tác giả:
Alfred Thayer Mahan (1840-1914) là một sĩ quan hải quân Mỹ, một nhà địa chiến lược và sử gia, ông được coi là “một trong những nhà chiến lược quan trọng nhất của Mỹ trong thế kỉ XIX”. Quan điểm của ông về “quyền lực trên biển” ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình hình thành tư tưởng chiến lược của lực lượng hải quân trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, Đức, Nhật, Anh.
2. Về tác phẩm:
Ở Mỹ, cuốn Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử được tái bản hơn 30 lần. Tác giả của cuốn sách này cũng được coi là một trong những lí thuyết gia hải quân lỗi lạc giai đoạn cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Mahan trở thành thần tượng của các sĩ quan hải quân Mỹ. Chân dung của ông được treo trong phòng làm việc của các tư lệnh hải quân và lục quân, và hơn 100 năm qua vẫn thường xuyên xuất hiện trên tạp chí United States Naval Institute Proceedings. Những quan điểm do Mahan đưa ra không chỉ có ảnh hưởng đối với sự phát triển của lí thuyết về nghệ thuật hải chiến mà còn ảnh hưởng tới việc hình thành chính sách đối ngoại và học thuyết về hàng hải của nhiều quốc gia ven biển trên thế giới. Khó tìm được công trình về lí thuyết chiến chiến tranh nào mà lại không có trích dẫn từ những tác phẩm của Mahan
3. Mục lục
Lời giới thiệu
Người đặt nền móng cho lí thuyết về sức mạnh trên biển
Lời nói đầu
Dẫn nhập
Chương I
Những thành tố của sức mạnh trên biển
Chương II
Tình hình châu Âu năm 1660. Cuộc chiến tranh lần thứ hai (1665-1667) giữa Anh và Hà Lan. Những trận đánh trên biển ở Lowestoft và Trận chiến Bốn ngày.
Chương III
Cuộc chiến của Anh và Pháp trong liên minh chống Các tỉnh hợp nhất, 1672-1674. Kết thúc bằng cuộc chiến tranh của Pháp chống châu Âu hợp nhất, 1674-1678. Những trận hải chiến ở Solebay, Texel và Stromboli.
Chương IV
Cách mạng Anh. Chiến tranh của liên minh Augsburg, 1688-1697. Những trận hải chiến ở Beachy Head và La Hougue.
Chương V
Chiến tranh giành quyền thừa kế ngai vàng Tây Ban Nha. Cuộc hải chiến ở Malaga.
Chương VI
Chế độ phụ chính ở Pháp. Alberoni ở Tây Ban Nha. Chính sách của Walpole và Fleuri. Chiến tranh giành quyền thừa kế ngai vàng Ba Lan. Buôn lậu của Anh tại các thuộc địa của Tây Ban Nha ở Mỹ châu. Anh tuyên chiến với Tây Ban Nha. 1715-1739.
Chương VII
Chiến tranh giữa Anh và Tây Ban Nha, 1739. Cuộc chiến giành quyền thừa kế ngai vàng Áo, 1740. Pháp liên minh với Tây Ban Nha chống Anh, 1744. Cuộc chiến trên biển của Matthews, Anson và Hawke. Hòa uớc Aix-la-Chapelle, 1748.
Chương VIII
Cuộc chiến tranh 7 năm, 1756-1763. Sức mạnh áp đảo của Anh và những cuộc chinh phục trên biển, ở Bắc Mỹ, châu Âu, Đông và Tây Ấn. Những trận đánh trên biển: Byng ở Minorca, Hawke và Conflans, Pocock và D’Aché ở Đông Ấn.
Chương IX
Những sự kiện từ khi kí Hiệp ước hòa bình Paris đến năm 1778. Chiến tranh trong cuộc Cách mạng Mỹ. Cuộc chiến trên biển ở Ushant.
Chương X
Cuộc chiến trên biển ở Bắc Mỹ và Tây Ấn, 1778-1781. Ảnh hưởng của nó đối với cuộc cách mạng Mỹ. Hoạt động của hạm đội ở Grenada, Dominica và vịnh Chesapeake.
Chương XI
Chiến tranh trên biển ở châu Âu, 1779-1782.
Chương XII
Những sự kiện ở Đông Ấn, 1778-1781. Suffren khởi hành từ Brest đi Ấn Độ, 1781. Chiến dịch nổi bật của ông ta trên biển Ấn Độ trong các năm 1782-1783.
Chương XIII
Những sự kiện ở Tây Ấn sau khi Yorktown thất thủ. Xung đột giữa De Grasse với Hood. Cuộc chiến trên biển gần đảo Các Thánh. 1781-1782.
Chương XIV
Thảo luận mang tính phê phán cuộc chiến trên biển năm 1778.
Về tác giả
***
4. Điểm nhấn
“Lịch sử của sức mạnh trên biển, chủ yếu - tuy không không phải hoàn toàn - là câu chuyện về sự cạnh tranh đầy bạo lực giữa các dân tộc, và đỉnh điểm của chúng thường là những cuộc chiến tranh. Người ta đã nhận thức được rằng, những tuyến đường giao thương trên biển có ảnh hưởng sâu sắc đối với sự thịnh vượng và sức mạnh của các quốc gia trước khi những nguyên lí chi phối sự phát triển và thịnh vượng được phát hiện. Muốn cho dân tộc mình chiếm được phần lớn hơn trong những lợi ích mà biển cả mang lại, người ta đã làm tất cả, bao gồm cả những biện pháp pháp lí ôn hòa, nhằm giữ độc quyền hoặc cấm đoán. Và khi các biện pháp ôn hòa thất bại, họ sẽ dùng vũ lực nhằm đẩy các dân tộc khác ra xa. Xung đột lợi ích, lòng hận thù bùng lên là do các bên đều cố giành cho được phần lớn hơn, nếu không nói là tất cả, những lợi ích mà thương trường và những vùng đất vô chủ tạo ra, đã dẫn đến những cuộc chiến tranh. Mặt khác, trong quá trình giao chiến, những cuộc đụng độ có thể chuyển hóa vì những lí do khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn là kiểm soát cho bằng được mặt biển. Vì vậy, lịch sử của sức mạnh trên biển, trong khi xem xét toàn bộ những xu hướng có thể làm cho các dân tộc trở thành cường quốc trên biển hoặc nhờ biển mà trở nên hùng mạnh, lại chủ yếu là lịch sử chiến tranh, và theo khía cạnh này nó sẽ được xem xét chủ yếu - tuy không phải hoàn toàn - trong những trang sau của tác phẩm.
Nghiên cứu lịch sử chiến tranh, như tác phẩm này đang làm, được những nhà cầm quân vĩ đại coi là cực kì cần thiết để có thể nắm được những tư tưởng đúng đắn và biết cách hành xử khôn ngoan trong cuộc chiến tương lai. Napoleon nói rằng, người lính muốn thăng tiến thì phải nghiên cứu các chiến dịch của Alexander, của Hannibal và Ceasar, những người chưa biết thuốc súng là gì. Và đa số những người cầm bút chuyên nghiệp đồng ý với nhau rằng, tuy điều kiện của chiến tranh thay đổi theo thời gian, do sự phát triển của vũ khí, nhưng một số bài học của lịch sử vẫn còn nguyên giá trị, và vì vậy, nó được áp dụng một cách phổ quát, có thể được coi là những nguyên lí chung. Với cùng lí do như thế, nghiên cứu lịch sử của biển cả trong quá khứ sẽ là một bài học sâu sắc, nó cung cấp cho chúng ta những nguyên lí chung nhất của chiến tranh trên biển, mặc cho những thay đổi to lớn mà tiến bộ khoa học trong nửa sau của thế kỉ qua cũng như động cơ hơi nước đã được trang bị cho vũ khí, khí tài của lực lượng hải quân.”
(Trích Dẫn nhập, Ảnh hưởng của sức mạnh trên biển đối với lịch sử, 1660 – 1783, Alfred Thayer Mahan, Phạm Nguyên Trường dịch, NXB Tri thức, 2012)