Theo quan điểm của các nhà kinh điển và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất phát từ thực tiễn: quan liêu là cách chỉ đạo xa rời thực tế, xa rời nhân dân, chỉ thiên về mệnh lệnh, công văn giấy tờ; là chủ nghĩa hình thức; chú trọng hình thức hơn so với nội dung hoạt động; lối làm việc bàn giấy, thái độ coi thường thực chất công việc; lạm dụng quyền lực, coi thường lợi ích của tập thể, của nhân dân; cá nhân chủ nghĩa. Quan liêu là căn bệnh rất nguy hiểm và là một nguy cơ lớn đối với đảng cộng sản cầm quyền. Nó đang là hiện tượng nhức nhối trong xã hội, làm suy giảm niềm tin, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, làm giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội. Ở mức độ trầm trọng, nó có thể làm suy yếu, tan rã Đảng, làm mất chính quyền, chế độ xã hội sụp đổ.
Bệnh quan liêu tồn tại trong mọi chế độ xã hội, có thể xuất hiện trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, trong các tổ chức đảng, trong bộ máy nhà nước, trong các tổ chức chính trị - xã hội và ở mỗi cán bộ, đảng viên. Trong lĩnh vực hoạt động nào, bệnh quan liêu đều là hiện tượng tiêu cực và nguy hiểm, gây nhiều tác hại cho xã hội nhưng tác hại nhất là bệnh quan liêu trong công tác cán bộ. Bởi vì, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Cán bộ tốt hay kém đều do công tác cán bộ.
Do vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta luôn coi trọng việc đề phòng và khắc phục bệnh quan liêu, trong đó đã chú ý đến việc đề phòng và khắc phục bệnh quan liêu trong công tác cán bộ và đã thu được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên, đến nay, bệnh quan liêu không những không được ngăn chặn có hiệu quả mà đang có nguy cơ phát triển, đang trở thành căn bệnh trầm trọng. Tại Hội nghị Trung ương 9 (khoá IX) Đảng ta khẳng định: “Chưa ngăn chặn và đẩy lùi được tệ quan liêu...”. Trong công tác cán bộ, do quan liêu nên không quản lý, nắm chắc cán bộ, không đánh giá đúng cán bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đang có nhiều tiêu cực, không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn xã hội; việc đề bạt cất nhắc cán bộ còn thiếu sót khuyết điểm, thậm chí còn bố trí cả những người suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực kém giữ các cương vị lãnh đạo quản lý chủ chốt, gây nên những hậu quả khôn lường. Do quan liêu, không nắm chắc cán bộ, nhiều cán bộ tốt, có thành tích không được phát hiện kịp thời, không được trọng dụng, cán bộ yếu kém, vi phạm kỷ luật không bị xử lý nghiêm,v.v… Tất cả các hiện tượng trên đang gây nhức nhối trong xã hội, làm cho nhân dân bất bình, gây tác hại không nhỏ cho công cuộc phát triển đất nước, làm xói mòn lòng tin, mỗi quan hệ giữa Đảng và nhân dân, đang làm tổn hại đến uy tín, thanh danh của Đảng.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phải không ngừng coi trọng đấu tranh phòng chống bệnh quan liêu trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong công tác cán bộ. Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu nghiên cứu và tìm hiểu về vấn đề này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách: Bệnh quan liêu trong công tác cán bộ ở nước ta hiện nay - Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp do PGS. TS Trương Thị Thông và TS. Lê Kim Việt đồng chủ biên.
Cuốn sách đã tập trung phân tích sâu về nguồn gốc, bản chất và những tác hại, các biểu hiện chủ yếu và nguyên nhân của bệnh quan liêu trong công tác cán bộ; đề xuất phương hướng và các giải pháp chủ yếu nhằm đề phòng, khắc phục bệnh quan liêu trong công tác cán bộ ở nước ta hiện nay.
Sách gồm 198 trang, giá bán 22.000 đồng. Bạn đọc quan tâm có thể tìm mua tại Nhà sách 24 Quang Trung, Hà Nội và các Chi nhánh của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia trên toàn quốc./.
MAI LAN