Tên sách: Biên niên sử thế giới - Từ tiền sử đến hiện đại
Biên soạn: Nguyễn Văn Dân
Số trang: 1020 trang
Khổ sách: 16 x 20 cm
Giá bìa: 210.000 VND
Nhà xuất bản Tri thức, 2009
***
LỜI NÓI ĐẦU
Trong thời đại thông tin ngày nay, các loại sách tra cứu đang được xuất bản khá nhiều để phục vụ nhu cầu ngày càng cấp thiết của bạn đọc. Tuy nhiên ở nước ta hiện chưa có một công trình trọn vẹn nào tập hợp các sự kiện theo niên đại trên bình diện thế giới. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn biên soạn cuốn Biên niên sử thế giới này.
Biên niên sử - sách tra cứu sự kiện theo niên đại - là một cuốn sử rút gọn, nó cho phép bạn đọc hình dung được quá trình phát triển lịch sử của nhân loại, đồng thời nó đáp ứng được nhu cầu muốn tìm hiểu lịch sử thế giới ở một thời điểm nhất định. Vì vậy, sách tra cứu theo niên đại là một cuốn sách cần thiết, nó bổ sung thêm một góc độ tra cứu mới cho các cuốn sách tra cứu khác, góp phần làm phong phú hệ thống sách tra cứu và làm cho hệ thống sách bách khoa thư trở nên hoàn chỉnh.
1. Về kết cấu
Cuốn sách của chúng tôi được kết cấu như sau: Các sự kiện được trình bày theo thứ tự từng năm. Trong mỗi năm, các sự kiện được sắp xếp theo từng vấn đề: chính trị, quân sự, tôn giáo, kinh tế, khoa học, v.v...; tuy nhiên việc sắp xếp theo vấn đề chỉ là tương đối, bởi vì một sự kiện có thể có liên quan đến nhiều vấn đề. Trong mỗi vấn đề nhìn chung chúng lại được sắp xếp theo từng nước, lần lượt đi từ các nước châu Âu đến châu Phi, châu Mỹ, châu Á và cuối cùng là châu Đại Dương. Nhưng cũng có khi các sự kiện có liên quan ngay sát nhau thì các trật tự châu lục nói trên có thể thay đổi.
2. Về phiên âm tên riêng
Vì tính phức tạp của việc phiên âm hiện nay, nên ngoài những tên đã quá quen thuộc với lối phiên âm cũ theo tiếng Pháp như Angiêri [Algérie], Anbani [Albanie], Ba Lan [Pologne], Bungari [Bulgarie], Rumani [Roumanie], Đanuýp [Danube] v.v... (vả lại Đanuýp là một con sông chảy qua nhiều nước ở châu Âu, mỗi nước nơi nó chảy qua lại có một tên gọi riêng, nên khó có thể có được một tên thống nhất), thì chủ yếu chúng tôi mới chỉ phiên âm tên riêng những nước đang có cách gọi chưa ổn định và cố gắng phiên sao cho gần đúng với tên gọi nguyên gốc. Còn về tên người và tên các địa phương, chúng tôi cố gắng giữ nguyên dạng đối với các tên thuộc hệ Latin, phiên tự đối với các tên thuộc hệ Slav, phiên âm Hán-Việt hoặc để nguyên dạng Latin đối với các tên Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Khi phiên âm những tên Slav, chúng tôi chuyển những âm tương đương với âm “j” trong tiếng Việt thành “zh” - trừ những tên đã trở nên quen thuộc như Azerbaiđjan -, những âm tương đương với âm “s răng lưỡi” thành “c”, những âm tương đương với âm “x” trong tiếng Việt thành “s”, còn những âm tương đương với âm “s” trong tiếng Việt thành “sh”. Những từ mô tả thêm cho từ đứng trước được đặt trong dấu ngoặc ôm ([ ]).
3. Về tên gọi các nhân vật lịch sử
Một hiện tượng phức tạp chúng ta thường gặp phải là tên gọi các nhân vật lịch sử ở phương Tây. Vì trước đây giữa các nước có sự giao thoa (một nhân vật có thể sinh ở nước này nhưng lại sống ở nhiều nước khác; một dòng họ hoàng tộc có thể cai quản nhiều quốc gia, vì thế hoàng tử, công chúa hoặc vua nước này có thể được thừa kế ngai vàng của nước khác, họ kiêm nhiệm hoặc sang hẳn nước khác để làm vua, làm hoàng đế, làm hoàng hậu hoặc làm nữ hoàng; vua nước này lấy hoàng hậu hay công chúa nước khác; hoàng tử nước này có thể có cha là vua một nước và mẹ thuộc dòng hoàng tộc của một nước khác; v.v...), cho nên một nhân vật có thể có nhiều cách gọi tên khác nhau tuỳ theo mỗi nước. Sau đây chúng tôi xin liệt kê một số ví dụ:
+ Nếu người Pháp gọi là Alexandre, thì người Latin và Anh gọi là Alexander, người Hy Lạp: Alexandros [trong tất cả những chữ này, “x” đọc là “ks”], người Italia: Alessandro, người Nga: Aleksandr, người Serbia-Croatia: Aleksandar...;
+ Người Pháp-Anh: Alexis, người Nga: Aleksei...;
+ Người Pháp: André, người Anh: Andrew, người Latin: Andrius, người Italia: Andrea, người Nga: Andrei...;
+ Người Pháp: Antoine, người Latin: Antonius, người Anh: Anthony, người Italia-Tây Ban Nha: Antonio...;
+ Người Pháp: Auguste, người Anh-Đức: August, người Latin: Augustus, người Nga: Avgust...;
+ Người Pháp: Basile, người Anh: Basil, người Nga: Vasili...;
+ Người Pháp: Benoît, người Anh: Benedict, người Italia: Benedetto...;
+ Người Pháp-Anh: Catherine, người Nga: Ekaterina...;
+ Người Pháp: César, người Latin-Anh: Caesar, người Đức: Kaiser, người Nga: Sezar [hay biến thái: Tzar - “sa hoàng”]...;
+ Người Pháp-Anh: Charles, người Đức: Karl, người Italia-Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha: Carlos, người Nga: Karol, người Rumani: Carol...;
+ Người Pháp: Christophe Colomb, người Anh: Christopher Columbus, người Italia: Cristoforo Colombo, người Tây Ban Nha: Cristobal Colon...;
+ Người Pháp: Édouard, người Italia-Tây Ban Nha: Eduardo, người Anh: Edward, người Bắc Âu và Nga: Edvard...;
+ Người Pháp: Élisabeth, người Anh: Elizabeth, người Nga: Elizabeta...;
+ Người Pháp: Étienne, người Anh: Stephen, người Italia: Stefano, người Nga-Serbia-Rumani: Stefan...;
+ Người Pháp: Frédéric, người Anh: Frederick, người Đức: Friedrich [“fri-đrích”], người Hà Lan: Frederik..., người Italia-Tây Ban Nha: Federico...;
+ Người Pháp: François [“frăng-soa”], người Anh-Đức: Francis [“fran-sis”], người Italia: Francesco, người Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha: Francisco...;
+ Người Pháp: Georges, người Anh: George, người Đức: Georg [“ghê-org”], người Italia: Giorgio, người Nga-Bungari: Gheorghi...;
+ Người Pháp: Grégoire, người Anh: Gregory, người Italia: Gregorio, người Nga: Grigori...;
+ Người Pháp-Italia: Guillaume, người Anh: William [“uyli-ơm”], người Đức: Wilhelm [“vil-hem”], người Hà Lan: Willem...;
+ Người Pháp: Henri, người Anh: Henry, người Đức: Heinrich...;
+ Người Pháp: Isabelle, người Anh: Isabel, người Italia-Tây Ban Nha: Isabella, người Nga: Izabela...;
+ Người Pháp: Jacques, người Anh: James, người Đức: Johannes [“iô-han-nes”], người Tây Ban Nha: Jaime, người Italia: Giovanni...;
+ Người Pháp: Jean, người Anh: John, người Đức: Johann [“iô-han”], người Italia: Gian, Giovanni, người Tây Ban Nha: Juan [“hoan”], người Bồ Đào Nha: Joao, người Đan Mạch-Thuỵ Điển: Jan, người Nga: Ivan;
+ Người Pháp: Jules, người Latin-Anh: Julius, người Italia: Giulio, người Tây Ban Nha: Julio, người Nga: Iuri...;
+ Người Pháp: Léon, người Tây Ban Nha: León, người Anh: Leo, người Nga: Lev;
+ Người Pháp: Laurent, người Anh: Lawrence, người Italia: Lorenzo...;
+ Người Pháp: Louis, người Anh: Lewis, người Đức: Ludwig, người Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha: Luis, người Italia: Lodovico, người Nga: Ludovik...;
+ Người Pháp: Marc, người Anh: Mark, người Latin: Marcus, người Tây Ban Nha: Marcos...;
+ Người Pháp: Marie, người Anh: Mary hay Maria, người Đức-Nga: Maria...;
+ Người Pháp: Michel [“mi-shel”], người Anh: Michel hay Michael [“mai-kơl”], người Italia: Michel [“mi-kel”], người Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha: Miguel, người Nga: Mikhail, người Rumani: Mihail...;
+ Người Pháp: Nicolas, người Anh: Nicholas, người Đức: Nikolaus, người Italia: Niccolo, người Nga: Nikolai, người Rumani: Nicolae...;
+ Người Pháp-Anh-Đức: Paul, người Latin: Paulus, người Italia: Paolo, người Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha: Paulo, người Nga: Pavel...;
+ Người Pháp: Philippe, người Latin: Philippus, người Anh: Philip, người Đức: Philipp, người Italia: Filippo, người Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha: Filipe...;
+ Người Pháp: Pie, người Latin-Anh: Pius...;
+ Người Pháp: Pierre, người Anh-Đức: Peter, người Hà Lan: Pieter, người Italia: Piero hay Pietro, người Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha: Pedro, người Nga: Piotr, người Serbia-Croatia: Petar;
+ Người Pháp: Serge, người Latin-Anh: Sergius, người Italia: Sergio, người Nga: Serghei...;
+ Người Pháp-Anh-Tây Ban Nha: Victor, người Italia: Vittorio...;
+ V.v...
Sự việc trên đây đối với bạn đọc Việt Nam là vô cùng phức tạp. Có trường hợp một hoàng thân người Pháp đi chinh phục nước Anh và lên ngôi vua nước Anh; ông ta sẽ được người Anh gọi tên theo kiểu Anh, nhưng theo tên gốc thì ông ta lại được gọi theo kiểu Pháp. Như thế thì chúng ta sẽ gọi theo Pháp hay Anh? Sự việc tương tự cũng có thể xảy ra giữa các nước Anh-Pháp-Đức-Áo-Nga... Do đó trong những trường hợp khó xác định, tạm thời chúng tôi chọn cách gọi theo người Anh hoặc theo người Pháp. Và trong một số trường hợp, một ông vua nước này có tên gọi theo kiểu của một nước khác cũng là chuyện bình thường, vì lúc đó các ông vua ấy đã trở thành những hiện tượng quốc tế. Rất mong bạn đọc lưu ý và thông cảm.
4. Về việc phân kỳ các giai đoạn lịch sử
Đây là một vấn đề rất nan giải. Phương Tây phân kỳ lịch sử theo các tiêu chí của họ, phương Đông cũng có những tiêu chí phân kỳ riêng, rồi mỗi nước cũng có tiêu chí phân kỳ của mình. Ở đây chúng tôi đành phải dựa vào cách phân kỳ của phương Tây vì tính thống nhất của nó tỏ ra tương đối cao. Vậy chúng tôi xin lưu ý để bạn đọc thông cảm và luôn nhớ rằng tên các giai đoạn ở đây chỉ có tính chất tham chiếu chứ không đại diện cho tất cả các khu vực trên thế giới.
*
Trong lần tái bản này, chúng tôi có sửa chữa, bổ sung và cập nhật thêm nhiều sự kiện. Hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc.
Biên soạn biên niên sử là một công việc nặng nhọc, nó đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và không thể tránh khỏi những thiếu sót, vì vậy chúng tôi rất mong được sự góp ý của bạn đọc xa gần để chúng tôi có dịp hoàn chỉnh vào những lần tái bản sau.
Hà Nội, tháng 12-2008
TÁC GIẢ
*****
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Tài liệu tham khảo
Bảng chữ viết tắt và ký hiệu
Thời Tiền sử (từ -4500 triệu đến -3500 [trước CN])
Thời Thượng cổ (từ năm -3500 đến năm -801)
Thời Cổ đại (từ năm -800 đến năm 476)
Thời Trung đại (từ năm 477 đến năm 1453)
Thời Phục Hưng và Cải cách (1454-1594)
Thời đại Barốc (1595-1714)
Thời đại Ánh sáng (1715-1788)
Thời đại Cách mạng Tư sản (1789-1870)
Thời Cận đại (1871-1913)
Thời Hiện đại (từ năm 1914 đến nay)
Phụ lục 1: Danh sách những cá nhân và tổ chức được giải thưởng Nobel
Phụ lục 2: Danh sách các giáo hoàng và năm nhiệm chức của họ
***