I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Câu chuyện các hằng số vật lý cơ bản
Tác giả: Đặng Mộng Lân
Khổ sách: 14,5x20,5
Số trang: 342
Giá bìa: 68.000 VND
Loại bìa: Mềm, tay gập
In lần 2, có sửa chữa và bổ sung
Phạm Văn Thiều hiệu đính
Phát hành: Tháng 3/2012
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Sau 35 năm (1976-2011) cuốn “Câu chuyện các hằng số vật lý cơ bản” của tác giả Đặng Mộng Lân (1934-2007) lại đến tay bạn đọc. Nhân dịp tái bản cuốn sách phổ biến khoa học xuất sắc này, tôi vinh dự được viết vài lời giới thiệu, hay đúng hơn, các cảm nhận khoa học với tư cách bạn đồng nghiệp và độc giả đầu tiên, khi cuốn sách còn dưới dạng bản thảo viết tay vào đầu những năm 70 của thế kỷ XX. Ý định bổ sung, sửa chữa bản in lần đầu đã có từ nhiều năm trước, nhưng chỉ những ngày tháng cuối đời trên giường bệnh tác giả mới thực hiện được.
Chúng ta đều biết trong vật lý học có rất nhiều hằng số vật lý, nhưng trong số đó chỉ có một số nhất định các hằng số đóng vai trò cơ bản trong các lý thuyết cơ sở của vật lý học. Có bao nhiêu hằng số vật lý được coi là cơ bản nhất là vấn đề còn có nhiều quan điểm khác nhau, kể từ khi cuốn sách đầu tiên viết về các hằng số vật lý cơ bản ra đời năm 1957 (Cohen E.R., Growe K.M., Du Mond J.W.M. “The Fundamental constants of Physics”, Interscience, 1957).
Năm 1963, Ủy ban về các hằng số vật lý cơ bản thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Hoa Kỳ đã chọn ra 28 hằng số cơ bản. Đến năm 1986 Hội đồng quốc tế các hiệp hội khoa học thống nhất chọn 22 hằng số cơ bản. Ngoài ra, còn có những đề nghị khác, chẳng hạn, các tác giả của Oxford Dictionary of Physics (1996) chỉ đưa ra 16 hằng số cơ bản trong Phụ lục của cuốn từ điển này.
Xuất phát từ nhận xét tinh tế và độc đáo: Các hằng số cơ bản được các tổ chức khoa học và một số nhà vật lý chọn ra không phải là độc lập đối với nhau; tác giả Đặng Mộng Lân đã xác định 7 hằng số cơ bản độc lập và đặt ra một cái tên đầy ấn tượng là chòm thất tinh bao gồm số Avogadro, hằng số Boltzmann, điện tích electron, khối lượng tĩnh của electron, vật tốc ánh sáng, hằng số Planck và hằng số hấp dẫn. Tác giả Đặng Mộng Lân còn mạnh dạn đưa ra hằng số cơ bản độc lập mới – độ dài cơ bản làm hằng số vật lý cơ bản thứ 8, xác định giới hạn áp dụng các lý thuyết và quan niệm vật lý hình thành trong thế kỷ XX, lý thuyết tương đối, lý thuyết lượng tử và nguyên lý nhân quả.
Trong kho tàng tài liệu phổ biến kiến thức vật lý trên thế giới, có lẽ “Câu chuyện các hằng số vật lý cơ bản” là cuốn sách phổ biến khoa học đầu tiên. Nhưng điều độc đáo không phải ở sự đầu tiên đó, mà điều chủ yếu là thông qua các câu chuyện xung quanh các hằng số vật lý cơ bản tác giả đã vạch được sự phát triển của vật lý học, đặc biệt là mối quan hệ giữa các thế giới vi mô, vĩ mô và siêu vĩ mô. Về mặt logic và nội dung vật lý cuốn “Câu chuyện các hằng số vật lý cơ bản” cung cấp cho bạn đọc bức tranh toàn cảnh về vật lý học cận đại và hiện đại. Tôi tin rằng các bạn đọc hôm nay sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích và hứng thú, như thế hệ các bạn đọc trước đây
Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm rằng trong nhiều dịp trao đổi với một số bạn đồng nghiệp tác giả Đặng Mộng Lân từng nêu ý định viết lại hoàn toàn và bổ sung các tài liệu mới nhất. Đáng tiếc tác giả đã không làm được điều đó. Mặc dù vậy cuốn sách tái bản lần này vẫn mang tính thời sự và chắc chắn sẽ để lại dấu ấn sâu sắc cho những ai nghiền ngẫm trên từng trang sách.
Tôi vui mừng và trân trọng giới thiệu với bạn đọc trong và ngoài ngành vật lý bản in mới của cuốn sách “Câu chuyện các hằng số vật lý cơ bản” của tác giả Đặng Mộng Lân.
GS. TSKH. Lê Minh Triết
Tp. Hồ Chí Minh, tháng 10-2011