I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Chế độ dân chủ: Nhà nước và xã hội
Tác giả: N.M. Voskresenskaia, N.B. Davletshina
Dịch giả: Phạm Nguyên Trường
Số trang: 244 trang
Khổ sách: 12 x 20 cm
Bìa mềm: 46.000 VNĐ
Tủ sách Dẫn nhập
Nhà xuất bản Tri thức, tháng 3/2009
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách "Chế độ dân chủ: Nhà nước và xã hội" do Nhà xuất bản Hệ thống giáo dục của Cộng hòa Liên bang Nga xuất bản năm 1995, sau khi Liên Xô sụp đổ.
Đây là tài liệu học tập (sách giáo khoa) dùng cho các trường phổ thông, cho cả thầy giáo, học sinh và phụ huynh. Cuốn sách đã được viết như một thử nghiệm đầu tiên trong việc soạn thảo sách giáo khoa về dân chủ. Tại sao lại phải dạy về dân chủ? Theo các tác giả: Vì Tự do có thể là bẩm sinh, nhưng thực hành dân chủ thì phải học mới biết. Tại sao bây giờ mới được thử nghiệm dạy về dân chủ ở Nga? Theo các tác giả: Vì từ xưa đến nay (thập kỷ 90 của thế kỷ trước) người Nga chưa hiểu thật rõ ràng thế nào là dân chủ theo cái nghĩa phổ quát của nhân loại và chưa bao giờ Nền dân chủ được lên ngôi ở Nga.
Bạn đọc có thể học được từ cuốn sách này những điều hết sức cơ bản: Thế nào là dân chủ?, Xã hội và các giá trị dân chủ, quyền con người trong xã hội dân chủ, xã hội dân sự, các hình thức tổ chức Chính quyền và Nhà nước, văn hóa chính trị và văn hóa quyền lực v.v... Cuốn sách được trình bày rất mạnh lạc và dễ hiểu, kèm theo những minh họa sinh động và hấp dẫn.
Chúng ta đang hội nhập vào thế giới hiện đại phong phú, đa dạng nhưng đầy bất trắc. Muốn hợp tác để phát triển và tránh được hiểm nguy thì phải hiểu được người ta, chấp nhận sự khác biệt với mình, thông qua văn hóa, đặc biệt văn hóa chính trị. Đó là lý do vì sao Nhà xuất bản Tri thức giới thiệu với độc giả tài liệu học tập này.
Một trong những mục tiêu của một nền giáo dục tiên tiến là giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức công dân không những chỉ đối với đất nước mình mà với cả toàn cầu. Vì vậy chúng tôi cũng xin lưu ý bạn đọc Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và dân quyền của Liên Hiệp Quốc trong phần phụ lục ở cuối cuốn sách.
Xin bạn đọc chú ý: cái thuật ngữ "Xã hội chủ nghĩa", "Cộng sản chủ nghĩa", "Đảng Cộng sản", "Chế độ Cộng sản"… được dùng trong cuốn sách này là chỉ một thể chế xã hội chủ nghĩa cụ thể theo mô hình Xô viết cũ (đã sụp đổ vì chứa nhiều bất cập nội tại) và các Đảng Cộng sản Liên Xô và Đông Âu cũ (đã tự giải thể từ những năm 90 thế kỷ trước).
NXB TRI THỨC
LỜI GIỚI THIỆU
A. G. ASMOLOV*
Các bạn đang cầm trong tay cuốn sách giáo khoa với nhan đề: Chế độ dân chủ: nhà nước và xã hội. “Thế thì sao?” - câu hỏi lập tức xuất hiện. Tại sao cuốn sách này lại được nhiều người quan tâm? Không chỉ các học sinh, không chỉ các bậc phụ huynh. Tại sao nó lại nằm ở tâm điểm của nhận thức xã hội trong giai đoạn hiện nay? Câu trả lời cực kì đơn giản: khát. Chúng ta đang nói rất nhiều về dân chủ. Nhưng dân chủ là gì? Chúng tôi sẽ không kể đâu vì đây là một câu chuyện chứa đầy bí mật. Nói cách khác, các bạn đang cầm trên tay cuốn sách giáo khoa, mà chức năng của nó là giải quyết một loạt nhiệm vụ không bình thường trong lĩnh vực văn hóa.
Nhiệm vụ thứ nhất - hình thành nhận thức pháp lí. Nhận thức pháp lí là gì? Đấy… có thể là sự xuất hiện ở trẻ em nhận thức về việc bảo vệ về mặt pháp lí trong thế giới đầy mâu thuẫn này của chúng ta. Đấy… có thể là giúp trẻ em biết đưa ra các giải pháp đúng đắn và có trách nhiệm trong những trường hợp không hề đơn giản về mặt luật pháp. Đấy… có thể là giúp trẻ em tìm được chỗ dựa, trong khi tìm kiếm đường đi trong cái thế giới tuyệt vời nhưng cũng đầy khốc liệt này của chúng ta. Vì những lí do như thế mà cuốn sách giáo khoa về nhận thức pháp lí xuất hiện, sự xuất hiện của nó đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nền giáo dục của chúng ta.
Nhiệm vụ thứ hai của cuốn sách giáo khoa - văn hóa pháp lí của học sinh, giáo viên và phụ huynh. Không phải vô tình khi chúng tôi nói đến ba ngôi: học sinh, giáo viên và phụ huynh. Vì cả ba, mà trước hết giáo viên rồi đến phụ huynh và học sinh đều cần học dân chủ. Tất cả chúng ta đều thiếu kiến thức về dân chủ, đồng thời hệ thống giáo dục ở nước Nga cũng có thiếu sót trầm trọng trong lĩnh vực này.
Một cuốn sách viết một cách rõ ràng, dễ hiểu, với văn phong hài hước sẽ giúp các cháu học sinh đồng nhất mình với các nhân vật được trình bày. Mà nhân vật ở đây chính là Quốc hội, các nhà hoạt động nhà nước và cả Tổng thống nữa. Các cháu học sinh, trong một loạt tình huống, những tình huống như trò chơi theo nghĩa đen của từ này, sẽ dễ dàng cảm nhận được thế giới dân chủ và tự mình hòa nhập vào thế giới đó. Như vậy là, trên tay bạn không phải là cuốn sách giáo khoa với những lời lẽ khô khan, theo quy luật: đọc - học thuộc - kể lại, mà là một cuốn sách giáo khoa khác hẳn, ở đây có một quy luật khác: cảm nhận được - trải qua. Từ quy luật học thuộc chuyển sang quy luật trải nghiệm. Từ nguyên tắc học thuộc lòng sang nguyên tắc trải nghiệm các tình huống của cuộc sống, đấy là con đường mà cuốn sách giáo khoa về dân chủ này đang mở ra trước mắt bạn.
Chúng tôi không thích tung ra những lời có cánh. Nhưng tình huống đôi khi lại thúc đẩy chúng ta phải làm như thế, đấy là khi làm quen với những cuốn sách mới, viết về văn hóa dân chủ của con người. Cuốn “Những cuộc phiêu lưu của một con người nhỏ bé” do Andrey Usatrev chấp bút mới được xuất bản gần đây đã giúp cho các bé sáu bảy tuổi, thông qua những câu chuyện cồ tích và các trò chơi, làm quen với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Cuốn sách giáo khoa này là bước tiếp theo. Đằng sau những bước đi này là một chiến lược mà hệ thống giáo dục công lập của nước Nga đang đi theo. Từ “công lập” được nhắc tới ở đây cũng không phải là vô tình. Vì giáo dục ngoài công lập và giáo dục gia đình cũng như cái mà trước đây vẫn gọi là giáo dục công lập, tất cả đều là một hệ thống và đã thay đổi một cách triệt để nhất. Cuốn sách giáo khoa này cần thiết cho cả hệ thống giáo dục của nước Nga và nó là sự tiếp tục điều mà Andrey Usatrev, một trong những nhà văn tuyệt vời nhất của chúng ta, đã gợi lên. Nhưng ở đây chúng ta phải giải quyết những nhiệm vụ và những vấn đề khác. Những nhiệm vụ và những vấn đề này giúp chúng ta nhận thức được giai đoạn lịch sử mà nước Nga đang trải qua. A. M. Pantrenko, một nhà sử học nổi tiếng, từng nói: “Các cuộc cách mạng ở các nước châu Âu gần gũi với chúng ta, dù đấy là cách mạng Anh hay cách mạng Pháp thì cũng thế, đều đi theo sơ đồ: ‘đảo chính - nội chiến - chuyên chính - phục hồi’ (sau đó, giống như tiếng vọng của âm thanh, sẽ có những vụ bùng nổ xã hội mới với sức công phá nhỏ hơn). Ở nước Nga, sự phục hồi chưa xảy ra và sẽ không xảy ra, dù người kế vị ngai vàng, đại công tước Vladimir Kirillovik và những người ủng hộ ông có nói gì đi nữa. Dĩ nhiên là các tên gọi cũ đã quay trở lại, lá cờ ba màu cũng đã tung bay trên đầu người dân Nga, Nhà thờ đã lấy lại được tinh thần, các Sa hoàng được tung hô, kể cả những người chẳng đáng được tung hô, nhưng đây chỉ là những biện pháp nửa vời. Ngai vàng không phải đang để trống, ngai vàng đã bị xóa bỏ rồi”. Tiếp tục đoạn trích dẫn trên, có thể nói: ngai vàng bị bãi bỏ để không diễn ra giai đoạn phục hồi, để không xảy ra quá trình giật lùi, để chúng ta không rơi trở lại nền văn hóa toàn trị. Cuốn sách giáo khoa mà bạn đang có trong tay sẽ giúp chúng ta đi từ nền Văn hóa của cái Có ích sang nền Văn hóa của Phẩm giá. Cuốn sách giáo khoa này sẽ giúp đặt lên ngai vàng của nước Nga không phải là một ông vua, không phải là một Sa hoàng mà là nền dân chủ. Nền dân chủ mà tất cả chúng ta đều phải học, nền dân chủ mà chúng ta hi vọng rằng con cháu chúng ta sẽ được sống trong đó.
Trân trọng
| |
A. G. Asmolov, viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm giáo dục Nga, trưởng phòng thí nghiệm tâm lí lịch sử văn hóa Viện tâm lí học trực thuộc Viện hàn lâm giáo dục Nga. | Iu. Kh. Shamilov, Chủ tịch Viện các hệ thống giáo dục. |
MỤC LỤC
Lời giới thiệu
Lời tác giả
Lời nhà xuất bản
Chương 1
THẾ NÀO LÀ DÂN CHỦ
Chương 2
XÃ HỘI VÀ CÁC GIÁ TRỊ DÂN CHỦ
Chương 3
QUYỀN CON NGƯỜI TRONG XÃ HỘI DÂN CHỦ
Chương 4
NHÀ NƯỚC VÀ CHÍNH QUYỀN
Chương 5
BẦU CỬ - CƠ CHẾ THỰC THI DÂN CHỦ QUAN TRỌNG
Chương 6
CHẾ ĐỘ LIÊN BANG VÀ CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC KHÁC
Chương 7
CÁC ĐẢNG CHÍNH TRỊ VÀ TỔ CHỨC XÃ HỘI
Chương 8
VĂN HÓA VÀ DÂN CHỦ
Chương 9
NƯỚC NGA GIỮA QUÁ KHỨ VÀ TƯƠNG LAI
Phụ lục
TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ VỀ NHÂN QUYỀN