Tác giả: TSKH. Phan Xuân Dũng (Chủ biên)
Số trang: 284 trang
Giá tiền: 84.000đ
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định phương hướng phát triển khoa học và công nghệ của nước ta đến năm 2010 là “Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong từng nghành, từng lĩnh vực của nền kinh tế”. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng ta đã tiếp tục xác định “ Phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững”. Để làm được việc đó không có con đường nào khác phải tiến thẳng vào áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất của thế giới, đặc biệt là các lĩnh vực thuộc công nghệ cao.
Hiện nay, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển với nhịp độ ngày càng nhanh, tạo những thành tựu mang tính đột phá, làm thay đổi nhanh chóng, sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội loài người. Công nghệ tiên tiến, công nghệ cao đang trở thành nền tảng cho nền kinh tế tri thức, có vai trò ngày càng lớn trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Vì vậy, đối với những nước chậm phát triển, muốn tiến kịp các nước phát triển phải nhanh chóng nâng cao năng lực khoa học và trình độ khoa học công nghệ, nắm bắt và làm chủ các tri thức mới nhất để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đi tắt vào kinh tế tri thức.
Chúng ta đang bước vào thời đại của nền kinh tế tri thức, trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế và bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất và hoàn thiện thể chế vận hành nền kinh tế, là sự lựa chọn tất yếu góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế quốc tế, đồng thời cũng là biện pháp căn bản giải quyết vấn đề phát triển xã hội theo chiều sâu, nâng cao trình độ phát triển kinh tế, ổn định tốc độ phát triển. Ứng dụng và phát triển công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã trở thành nền tảng quan trọng mang tính chiến lược trong công cuộc đẩy nhanh bước tiến công nghệ nhằm thúc đẩy quá trình điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế quốc dân.
Sau hơn 25 năm đổi mới, nước ta đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, làm cho thế và lực của đất nước mạnh lên nhiều. Cùng với quá trình phát triển của đất nước, khoa học công nghệ nước ta đã có những bước tiến tích cực, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đã trưởng thành một bước và có nhiều cố gắng, có khả năng tiếp thu tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và công nghệ cao trên một số nghành và lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay, so với các nước phát triển, nền khoa học và công nghệ của nước ta còn có một khoảng cách khá xa, chưa tạo ra được năng lực khoa học và công nghệ cần thiết để thực sự trở thành nền tảng và động lực cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để góp phần nghiên cứu những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn về khoa học và công nghệ, đặc biệt đối với công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Công nghệ tiên tiến và công nghệ cao với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam (xuất bản lần thứ hai có sữa chữa và bổ sung) do TSKH. Phan Xuân Dũng chủ biên.
Nội dung cuốn sách gồm 5 chương:
Chương I: Một số vấn đề chung về công nghệ cao
Chương II: Thực trạng, dự báo phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ cao và một số hình thức tiếp nhận, chuyển giao công nghệ
Chương III: Ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của một số nước và khu vực trên thế giới
Chương IV: Thực trạng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao ở Việt Nam
Chương V: Một số chủ trương, giải pháp về ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ cao với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam.