Tên sách: Đường tới Bờ Rạ
Tác giả: Andrew Hardy
Số trang: 124 trang
Khổ sách: 14,5 x 20,5
Giá bìa: 35.000 VNĐ
Bìa mềm, tay gập, có hình ảnh in màu
Thuộc Tủ sách Đường mòn Lịch sử - Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp
Ấn bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Tri thức, tháng 13/2008
Lời giới thiệu Tủ sách
Tôi rất vui mừng được giới thiệu ấn phẩm ra mắt Tủ sách mới mang tên Đường mòn lịch sử, do Trưởng Đại diện Trung tâm Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội, Andrew Hardy biên soạn và xuất bản.
Ấn phẩm đầu tiên Đường tới Bờ Rạ được Andrew khai thác đề cập đến một giai đoạn lịch sử di dân từ vùng châu thổ sông Hồng lên phía thung lũng sông Công theo chính sách định cư và phát triển miền núi, dưới sự chỉ đạo của chính quyền thuộc địa Pháp, sau đó của chính phủ Việt Nam.
Trên thực tế, câu chuyện ngôi làng Bờ Rạ đã lâm vào kết cục đáng buồn trong những năm 1970 và ký ức về ngôi làng gần như tàn lụi – nếu như không nói là đã tắt ngấm ? – trong khi đó vì tò mò về tên địa danh có vẻ như được lấy từ tên một điền chủ người Pháp, Andrew cùng các đồng nghiệp của anh đã lao vào cuộc khám phá. Cuộc điều tra của họ gợi lên một quang cảnh mà hình như “đã luôn luôn tồn tại” và đó là câu chuyện xã hội và kinh tế khá sôi động của một ngôi làng miền Bắc Việt Nam vào thế kỷ XX.
Ấn phẩm này lấy đề từ một cảm nghĩ của Lỗ Tấn, nhà tư tưởng vĩ đại của cuộc vận động Ngũ Tứ tại Trung Quốc, được hình thành khi ông trở lại thăm cố hương năm 1921. Buồn bã trước sự suy tàn và những cấu trúc xơ cứng của xã hội mà ông đang chứng kiến, tuy nhiên ông coi niềm khao khát thay đổi như là thứ khao khát ảo tưởng mà giờ đây trở thành hi vọng cá nhân. Lỗ Tấn cho rằng đã gọi là hi vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư, cũng giống như những con đường trên mặt đất: kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi.
Lần theo những con đường lịch sử – dĩ nhiên theo nghĩa rộng thì nó bao trùm cả dân tộc học và khảo cổ học, khám phá ra những dự định, những hi vọng của những người đàn ông và phụ nữ, những người đã ấp ủ chúng thành hình và đã để lại những vết tích nơi đó. Đây cũng chính là khuynh hướng làm sử theo tinh thần của tủ sách mới này.
Nét độc đáo ở những nghiên cứu của thế hệ Andrew Hardy về lịch sử Việt Nam, đất nước đang biến đổi hàng ngày, đã được thừa nhận. Việc xuất bản bằng tiếng Việt từ chuyên luận này mở ra Tủ sách Đường mòn lịch sử, chứng tỏ niềm say mê lớn lao của anh đối với đất nước này, với lịch sử địa phương của đất nước và đối với những chuyến nghiên cứu điền dã. Những công việc chuẩn bị cùng với phương pháp học được giới thiệu trong tủ sách này mong muốn được qua trải nghiệm. Có thể nó đang mở ra một phương pháp nghiên cứu mới, khuyến khích các bạn đọc, đến lượt họ hãy tìm cho mình một phong cách mới, tránh những lối mòn trong nghiên cứu sử học!
FRANCISCUS VERELLEN
Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp
Paris, ngày 2 tháng 1 năm 2007
Lời tựa
Đường tới Bờ Rạ, ai tới, tới lúc nào, tới để làm gì và để lại cái gì?...
Qua tên sách, người đọc dễ nghĩ rằng đây là hành trình tới một vùng đất mang địa danh ‘Bờ Rạ’ nào đó và chắc rằng đấy là một khu di tích hay danh thắng có tiếng của Việt Nam.
Bản thân tôi cũng từng có những băn khoăn như thế.
Tôi biết Andrew Hardy ở Paris và sau đó gặp lại anh ở Hà Nội khi anh đến Việt Nam để học tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam. Anh trở thành một nhà Việt Nam học người Anh, làm Trưởng đại diện Trung tâm EFEO của Pháp tại Hà Nội. Tôi cũng biết anh thích nghiên cứu về kinh tế xã hội, đã từng quan tâm đến đề tài di dân thời hiện đại và ngược lên thời cận đại. Có một lần anh hỏi tôi về một đồn điền của André de Monpezat liên quan đến địa danh Bờ Rạ vùng Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã từng sơ tán lên vùng Đại Từ trong khoảng thời gian 1965-1970. Trong thời gian đó, tôi cũng đã có nhiều dịp đi điều tra khảo sát vùng này, qua lại nhiều lần Đại Từ-Hà Nội bằng xe đạp trong thời chiến tranh và trên đường hay lang thang, khi ghé qua làng Tân Cương thưởng thức đặc sản chè nổi tiếng, khi thăm các làng xã và các dòng họ, đền chùa trong vùng. Khoa Lịch sử ở xã Vạn Thọ cũng nằm trong vùng đất mà anh Andrew đã từng đi tìm Bờ Rạ. Trao đổi đôi lần với anh, tôi chẳng cung cấp được gì về đồn điền của một ông Tây nào đó và cũng chẳng có thông tin về nguồn gốc địa danh Bờ Rạ.
Tôi cảm thấy đề tài nghiên cứu của anh hơi phiêu lưu, nhưng cũng không muốn bạn đồng nghiệp người Anh, xứ sở quá ít nhà Việt Nam học, mất hứng thú hay nản chí.
Nhưng quả thật tôi không ngờ cái tên Bờ Rạ lại cuốn hút Andrew Hardy đến thế. Anh kiên nhẫn đi khảo sát nhiều lần mỗi khi nghe một thông tin nào đó có thể liên quan đến một đồn điền Tây trong vùng, đến người dân Bờ Rạ nào đó đã di chuyển và đang sinh sống nơi khác... Phạm vi điều tra khảo sát lần theo nhân chứng như vậy đã mở rộng ra nhiều địa phận của tỉnh Thái Nguyên. Rồi anh lại khai thác tư liệu trong lưu trữ Việt Nam và Pháp, trong sách báo trong và ngoài Việt Nam. Và cuối cùng, hôm nay bản thảo cuốn sách Đường tới Bờ Rạ đang ở trước mặt tôi.
Đọc xong bản thảo, tôi thấy đây không chỉ là một hành trình tìm đến Bờ Rạ, không chỉ là một hồi ký ghi lại cuộc tìm kiếm một địa danh kỳ lạ mà người dân địa phương giải thích cái tên của nó theo nhiều cách khác nhau. Bản thân tôi đã nhiều lần được người nông dân giải thích nhiều địa danh theo lối suy diễn ngữ nghĩa của họ khi bị dồn vào chỗ phải trả lời trong lúc chính họ không hiểu nguồn gốc thực sự của tên đất ấy dù họ đã sống trên đó qua bao thế hệ. Mà Việt Nam có 54 tộc người, trong lịch sử lại tiếp nhận rất nhiều ảnh hưởng bên ngoài, Tàu có, Ấn có, rồi Pháp, Mỹ đều có cả. Biết bao địa danh và nói rộng ra trong tiếng Việt, có rất nhiều tên đất và vốn từ mang dấu ấn các tộc người trong nước và qua giao lưu, ảnh hưởng văn hoá bên ngoài. Nhưng nội dung chủ yếu và sức hấp dẫn của cuốn sách không phải là cái tên Bờ Rạ đơn sơ, mộc mạc mà đầy bí ẩn kia.
Cái tìm tòi, khám phá đáng quý của tác giả là cảnh quan thiên nhiên một vùng đồi núi trung du Bắc Bộ rất đẹp mà một thời gian dài bị coi như nơi “ma thiêng nước độc” ít người dám tới. Nhưng đấy là vùng đất đã hội tụ rồi lại phân li biết bao người dân tứ xứ đến tìm kế sinh nhai, nơi chứng kiến nhiều luồng di dân nội địa.
Cuộc sống như một dòng chảy thu nhỏ lại trên một vùng đất trung du mang cái tên Bờ Rạ. Những con người đã từng sống trên mảnh đất Bờ Rạ, qua tất cả sóng gió của cuộc đời đã dệt nên dòng lịch sử của một vùng đất chỉ lưu lại trên những trang viết, trong đó có Đường tới Bờ Rạ của TS Andrew Hardy.
Niềm hứng thú và công sức tìm tòi, khám phá của tác giả đã được đền đáp khi cuốn sách xuất bản như mở đầu cho một loại ấn phẩm mang tiêu đề ‘Đường mòn lịch sử’ (Pistes d’histoire) của Trung tâm EFEO tại Việt Nam.
PHAN HUY LÊ
Giáo sư Sử học
Hà Nội, 9-1-2007
Mục lục
Lời giới thiệu Tủ sách - Franciscus Verellen
Lời cảm ơn
Lời tựa - Phan Huy Lê
Đường tới Bờ Rạ
Phụ lục
Bản đồ
Ký ức về một địa điểm - Đào Hùng
Lời bạt
Tác giả Andrew Hardy sinh năm 1966, làm việc ở Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội từ năm 2002.
Tác phẩm Đường tới bờ rạ được xuất bản lần đầu tháng 4 năm 2008 dưới hình thức ấn bản song ngữ Pháp-Việt “Sur le chemin de Bờ Rạ” – “Đường tới Bờ Rạ”, 208 trang, giấy couché, hình ảnh in màu. Tháng 10 năm 2008, Nhà xuất bản Tri thức xuất bản ấn bản tiếng Việt của tác phẩm.
Quý độc giả có thể tìm mua tác phẩm tại Nhà xuất bản Tri thức, 53 Nguyễn Du, Hà Nội và tại các Nhà sách trong hệ thống phát hành sách của Công ty Sách Phương Nam trên toàn quốc.