I) THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Hướng đến kỷ nguyên hậu nhà nước phúc lợi
Tác giả: Tom G. Palmer
Nhóm Dịch giả: Đinh Tuấn Minh (chủ biên dịch thuật), Nguyễn Minh Cường, Dương Quỳnh Hoa, Lê Thanh Bình, Trần Thùy Dương, Trần Vũ Thủy Tiên, Doãn Thị Phương Thảo
Khổ sách: 14,5 x 20,5 cm
Số trang: 260 trang
Giá bìa: 60.000VNĐ
Loại bìa: Bìa mềm, tay gập
Năm xuất bản: 2013
II) GIỚI THIỆU SÁCH
1) Về tác giả:
Tiến sĩ Tom G. Palmer là Phó Chủ tịch chương trình quốc tế của Quỹ Nghiên cứu Kinh tế Atlas (Atlas Economic Research Foundation). Ông có vai trò quản lí công việc của các nhóm cổ vũ chủ nghĩa tự do cố điển trên toàn thế giới, và ông cũng làm việc với một mạng lưới các trung tâm nghiên cứu và think-tank toàn cầu. TS. Palmer là thành viên cao cấp tại Viện Cato; trước đây, ông từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch phụ trách các chương trình quốc tế và Giám đốc trung tâm vì Quyền Con người (Center for the Promotion of Human Rights) tại Viện. Ông còn là thành viên của nhóm H. B. Earhart tại Trường Hertford (Đại học Oxford) và Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nhân văn (Institute for Humane Studies) tại Đại học George Mason. TS. Palmer là thành viên Ban Cố vấn của Tổ chức Sinh viên vì Tự do (Students For Liberty). Các bài phê bình và bài viết của ông về chính trị và đạo đức được xuất bản trên những tạp chí học thuật như Harvard Journal of Law and Public Policy, Ethics, Critical Review và Constitutional Political Economy, cũng như các báo: Slate, Thời báo phố Wall, Thời báo New York, Die Welt, Al Hayat, Caixing, Washington Post, và tờ Người quan sát London (The Spectator of London). Ông tốt nghiệp đại học bằng Cử nhân mở rộng tại trường St. John (Annapolis, Maryland), sau đó lấy bằng Thạc sĩ về Triết học tại Trường Đại học Cơ Đốc Mỹ (Washington, DC) và bằng Tiến sĩ về Chính trị tại Đại học Oxford. Các tài liệu học thuật của ông đã được xuất bản thành sách tại các NXB Đại học Princeton và Cambridge cũng như các NXB học thuật khác. TS. Palmer là tác giả cuốn Realizing Freedom: Libertarian Theory, History, and Practice [Giành lấy Tự do: Chủ nghĩa Tự do Cá nhân - Lịch sử hình thành, Lí thuyết và Thực tế] (xuất bản 2009) và chủ biên cuốn The Morality of Capitalism [Đạo đức của Chủ nghĩa Tư bản] (xuất bản 2011).
2) Về tác phẩm:
Những bài luận trong cuốn sách này không phải là những lời cuối về quá khứ, hiện tại và tương lai của nhà nước phúc lợi. Hoàn toàn ngược lại. Chúng xuất hiện ở đây với hi vọng sẽ khuyến khích thêm nhiều suy ngẫm, nghiên cứu và tìm hiểu kĩ lưỡng về chủ đề này. Một số bài luận được trình bày theo phong cách hàn lâm và một số bài được trình bày theo phong cách báo chí; chúng được tổng hợp từ nhiều lĩnh vực học thuật khác nhau. Hi vọng rằng chúng sẽ mang đến những giá trị nhất định cho người đọc.
Khi nhà nước phúc lợi bắt đầu đổ vỡ, nổ tung hoặc thoái lui, cần đặt câu hỏi tại sao điều đó lại xảy ra. Nhà nước phúc lợi đã đóng vai trò gì trong việc tạo ra các cuộc khủng hoảng quốc tế? Nhà nước phúc lợi đến từ đâu, hoạt động như thế nào, và đã thế chỗ cho cái gì? Cuối cùng, cái gì sẽ tiếp nối cái hệ thống không thể duy trì được của ngày hôm nay? Quyển sách mỏng này sẽ giúp người đọc trăn trở với những câu hỏi này và hơn thế nữa.
***
3) Mục lục
Lời mở đầu
Phần I
Tước đoạt lẫn nhau và những lời hứa không thành
1. Bi kịch của nhà nước phúc lợi
2. Nhà nước phúc lợi đã nhấn chìm giấc mơ Italia như thế nào?
3. Hy Lạp: Câu chuyện cảnh báo sớm về nhà nước phúc lợi
Phần II
Lịch sử của nhà nước phúc lợi và những thứ đã bị thay thế
4. Di sản của Bismarck
5. Quá trình phát triển của viện trợ tương hỗ
6. Viện trợ tương hỗ cho phúc lợi xã hội: Trường hợp các hội huynh đệ Mỹ
Phần III
Nhà nước phúc lợi, khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ
7. Nhà nước phúc lợi như là một hệ thống kim tự tháp
8. Làm thế nào Quyền “có nhà ở với mức giá hợp lí” tạo ra bong bóng và làm sụp đổ nền kinh tế thế giới
Phần IV
Nghèo đói và Nhà nước phúc lợi
9. Nghèo đói, Đạo đức và Tự do
Một số tài liệu tham khảo để giải trí và hiểu sâu hơn
Tác giả
Các dịch giả
4) Điểm nhấn
“…Nhà nước phúc lợi có nét gì đó giống như việc đánh bắt cá. Nếu không ai sở hữu và chịu trách nhiệm về số cá trong hồ, nhưng mỗi người lại được sở hữu tất cả những con cá mà mình bắt được từ hồ, thì mọi người sẽ cố bắt càng nhiều cá càng tốt. Họ lí luận rằng “Tôi mà không bắt thì người khác cũng bắt mất”. Mỗi người trong chúng ta đều biết nếu bắt nhiều cá bây giờ nghĩa là hồ sẽ hết cá, nhưng kèm với đó là suy nghĩ: những người khác cũng sẽ bắt bất kể tôi có bắt hay không; chẳng ai trong chúng ta có động lực để hạn chế việc bắt cá và để cho số lượng cá kịp tự tái sinh.[1] Cá bị bắt nhanh hơn cá đẻ được; hồ sẽ hết cá; và cuối cùng thì mọi người đều thiệt.”
(trích Bi kịch của nhà nước phúc lợi, Hướng đến kỷ nguyên hậu nhà nước phúc lợi, Tom G. Palmer, nhóm Dịch giả: Đinh Tuấn Minh (chủ biên dịch thuật), Nguyễn Minh Cường, Dương Quỳnh Hoa, Lê Thanh Bình, Trần Thùy Dương, Trần Vũ Thủy Tiên, Doãn Thị Phương Thảo, NXB Tri thức, 2013).