I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Kafka –Vì một nền văn học thiểu số
Tác giả: Gilles Deleuze và Félix Guattari
Dịch giả: Nguyễn Thị Từ Huy
Hiệu đính : Bùi Văn Nam Sơn
Khổ sách: 13 x 20,5 cm
Số trang: 244 trang
Giá bìa: 50.000 VNĐ
Loại bìa: Bìa mềm, tay gập
Năm xuất bản: 2013
TÁI BẢN
II. GIỚI THIỆU SÁCH
1) Về tác giả:
Gilles Deleuze sinh ngày 18 tháng 1 1925, mất ngày 4 tháng 11 năm 1995, là một nhà triết học người Pháp. Từ đầu những năm 1960 đến trước khi chết ông đã viết nhiều tác phẩm về triết học, văn học, điện ảnh và nghệ thuật. Tác phẩm được ưa thích nhất của ông là " Capitalism and Schizophrenia: Anti-Oedipus" (1972) và "A Thousand Plateaus (1980)", cả hai tác phẩm này ông cùng sáng tác với Félix Guattari. Cuốn "Difference and Repetition" được rất nhiều độc giả đánh giá cao và là kiệt tác của ông.
Félix Guattari sinh ngày 30 tháng 04 năm 1930, mất ngày 29 tháng 8 năm 1992, là một nhà hoạt động chính trị, một nhà tâm lý thể chế và là một nhà triết học. Sự nổi tiếng của ông được đánh dấu bằng sự hợp tác trí tuệ giữa ông và Gilles Deleuze qua 2 tác phẩm "Capitalism and Schizophrenia: Anti-Oedipus" (1972) và "A Thousand Plateaus (1980)"
2) Về tác phẩm:
Sức mạnh của Kafka. Chính trị của Kafka. Những lá thư tình đã là một thứ chính trị, ở đó Kafka tự thấy mình như một ma cà rồng. Các chuyện ngắn và các truyện phác nên những sự-trở-thành-động-vật, chúng cũng là những đường lẩn trốn có tính chất hoạt năng. Các tiểu thuyết là vô hạn. Hơn là chưa hoàn tất, chúng tiến hành một quá trình tháo tung những cỗ máy lớn của xã hội trong hiện tại và tương lai. Chính vào lúc ông trưng chúng ra và sử dụng chúng như một cái bình phong. Kafka hầu như không tin vào luật pháp, vào cảm giác tội lỗi, nỗi sợ hãi, tính nội tâm. Ông cũng ít tin vào các biểu tượng, các ẩn dụ hay các hoán dụ. Ông chỉ tin vào những cấu kết và những chuỗi được vạch ra bởi mọi hình thái mong muốn. Những đường lẩn trốn của ông không bao giờ là một nơi ẩn náu, một lối thoát ra khỏi thế giới. Trái lại đó là một phương tiện để dò tìm những gì đang được chuẩn bị, và để báo trước những “thế lực hắc ám” của tương lai gần. Kafka thích tự xác định mình về phương diện ngôn ngữ, về phương diện chính trị và về phương diện cộng đồng, bằng các khái niệm thuộc về một nền văn học được gọi là “thiểu số”. Nhưng văn học thiểu số là bộ phận của mọi cuộc cách mạng trong những nền văn học lớn.
3) Mục lục
"VĂN HỌC THIỂU SỔ" và một cách đọc khác về Kafka Bùi Văn Nam Sơn
Chương 1. NỘI DUNG VÀ BIỂU ĐẠT
Cái đầu cúi xuống, cái đầu ngẩng lên – Photo, âm thanh
Chương 2. MỘT ŒDIPE QUÁ PHÌ ĐẠI
Hai lần vượt quá: những tam giác xã hội, những sự-trở-thành-động-vật
Chương 3. VĂN HỌC THIỂU SỐ LÀ GÌ?
Ngôn ngữ. – Mặt chính trị. – Mặt tập thể
Chương 4. CÁC THÀNH PHẦN CỦA BIỂU ĐẠT
Những bức thư tình và giao kèo với quỷ. – Các truyện ngắn và những sự-trở-thành-động-vật. – Các tiểu thuyết và những kết chuỗi máy móc
Chương 5. TÍNH NỘI TẠI VÀ HAM MUỐN
Chống lại luật pháp, chống lại tội lỗi v.v.. - Diễn trình: cái kề cận, cái liên tục và cái vô giới hạn
Chương 6. SỰ TĂNG SINH CỦA CÁC CHUỖI
Vấn đề quyền lực. – Ham muốn, mảng và đường
Chương 7. NHỮNG BỘ KẾT NỐI
Những người phụ nữ và những nghệ sĩ. – Chống chủ nghĩa thẩm mỹ trong nghệ thuật
Chương 8. NHỮNG KHỐI, NHỮNG CHUỖI, NHỮNG CƯỜNG ĐỘ
Hai trạng thái của kiến trúc, theo Kafka. – Những khối, các dạng thức khác nhau của chúng và những thành phần của tiểu thuyết. – Lối kiểu cách
Chương 9. MỘT KẾT CHUỖI LÀ GÌ?
Thông báo và ham muốn, biểu đạt và nội dung
4) Điểm nhấn
…“Kafka dùng chữ "văn học nhỏ" (kleine Literatur). Deleuze và Guattari dịch là "litérature mineure". Nhưng, "mineure" ("nhỏ hơn") ở đây không hề có nghĩa là nhỏ bé hơn, thấp kém hơn, hay thậm chí, ấu trĩ. Trái lại, "nhỏ" biểu thị một thế đứng nhất định, một vị trí phát ngôn để từ đó sáng tác văn chương. Deleuze xác định vị trí của "cái nhỏ" như là thế đứng để tạo ra một "thiểu số" trong diễn ngôn có mối quan hệ trực tiếp với quyền lực chính trị như sẽ thấy rõ hơn ở sau. Ngôn ngữ nào cũng áp đặt những quan hệ quyền lực thông qua các quy tắc ngữ pháp và cú pháp, các mã từ vựng và từ nghĩa, tuy nhiên, những quan hệ này lại không ổn định. Sử dụng ngôn ngữ theo kiểu "đa số" luôn có xu hướng hạn chế, tổ chức, kiểm soát và điều tiết chất liệu ngôn ngữ phục vụ cho trật tự xã hội thống trị, trong khi đó, sử dụng ngôn ngữ theo kiểu "thiểu số" sẽ du nhập sự mất cân bằng giữa các thành tố, tận dụng được tiềm năng đa dạng và dị biệt hóa vốn có mặt bên trong ngôn ngữ. Mọi ngôn ngữ, dù là ngôn ngữ thống trị hoặc bị gạt sang bên lề, đều đón nhận cả hai cách sử dụng, và, do đó, văn học thiểu số được hiểu như là cách xử lý những biến số của ngôn ngữ theo cách "thiểu số". Thật thế, cái đa số là cái thuần nhất, đồng dạng (homogene). Nó cần có quy phạm để duy trì quyền lực, để tự kiểm soát và tự khẳng định. Ngược lại, cái thiểu số có thể đề ra những biện pháp để thoát khỏi sự cưỡng bức phải đồng dạng hóa ấy. Nó dự phóng những "đường thoát", tạo ra những không gian "ở giữa", và có thể trở thành-khác. Đặc điểm của thiểu số là tính không thuần nhất, không đồng dạng (hetérogene). Nó không bị kiềm tỏa trong vòng quy phạm thống trị của đa số; nó có thể "thêm vào", nghĩa là không thể đo đếm được, và không chịu "xếp hàng"….
(trích "VĂN HỌC THIỂU SỔ" và một cách đọc khác về Kafka Bùi Văn Nam Sơn, Kafka – Vì một nền văn học thiểu số, Gilles Deleuze và Félix Guattari, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Tri thức, 2013).