Tác giả: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Số trang: Tập I: 450 trang; Tập II: 684 trang; Tập III: 592 trang
Ngay từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX, xây dựng và phát triển ngành Dầu khí đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chú ý quan tâm. Kể từ khi Đoàn thăm dò dầu lửa (mang số hiệu 36 dầu lửa) được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, với nhiều tên gọi và hình thức tổ chức khác nhau, ngành Dầu khí Việt Nam đã luôn đổi mới và phát triển cùng với sự lớn mạnh của sự nghiệp cách mạng của nước ta. Từ sau khi đất nước thống nhất, những nỗ lực vươn lên không ngừng của cán bộ, công nhân, viên chức của ngành Dầu khí cùng sự giúp đỡ hợp tác của các nước, đặc biệt là sự giúp đỡ chí tình, anh em của Liên Xô,... ngành Dầu khí có sự phát triển vượt bậc.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, ngành Dầu khí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, vươn lên trở thành tập đoàn kinh tế đầu tàu của đất nước. Năm 2010, doanh thu toàn ngành đạt 478,4 nghìn tỷ đồng, tương đương trên 23 tỷ USD, chiếm 23% GDP của cả nước, nộp thu ngân sách Nhà nước. Để có được những thành công ấy, lớp lớp những người "đi tìm lửa" đã vượt qua muôn vàn khó khăn, nếm mật, nằm gai tìm kiếm nguồn "vàng đen" ròng rã nửa thế kỷ.
Với những thành tích đã đạt trong nửa thế kỷ qua, ngành Dầu khí đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng khác v.v..
Nhằm đúc kết những thành tựu đạt được trong 50 năm qua, giữ gìn những giá trị và kinh nghiệm của các thế hệ; đồng thời tăng cường giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ của ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản bộ sách Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam (đến năm 2010).
Nội dung bộ sách trình bày những hoạt động và tổ chức Dầu khí đầu tiên ở nước ta từ những năm 60 của thế kỷ XX, qua nhiều hình thức tổ chức như Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Các hoạt động cụ thể của ngành Dầu khí trong từng giai đoạn được các tác giả nêu tỉ mỉ, có nhiều dẫn chứng sinh động. Xuyên suốt nội dung bộ sách, sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước ta đối với sự phát triển của ngành Dầu khí được khắc họa rõ nét. Các tổ chức đảng và các tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp dầu khí cũng được trình bày khái quát trong bộ sách.
Bộ sách được chia thành 3 tập:
Tập I giới thiệu Phần thứ nhất: Những hoạt động và tổ chức Dầu khí đầu tiên ở Việt Nam; và Phần thứ hai: Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (1975-1990)
Tập II giới thiệu Phần thứ ba: Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (1990-2006)
Tập III giới thiệu Phần thứ tư: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2006-2010)
Ngoài ra, bộ sách còn có phần Phụ lục do Petrovietnam cung cấp tư liệu ghi lại một số hiệp định, hợp đồng, thỏa thuận dầu khí trong nước và nước ngoài; các chương trình, đề tài nghiên cứu; tóm lược biên bản các kỳ họp Hội đồng Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro; các giếng khoan địa chất và tìm kiếm, thăm dò dàu khí; công tác đào tạo; tóm tắt nội dung Chiến lược đầu tiên của ngành Dầu khí; một số nhận định về mô hình Dầu khí đã kinh qua; cơ cấu tổ chức và nhân sự chủ chốt của ngành qua các thời kỳ...
Cuối cùng, xin trích lời giới thiệu của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong bộ sách Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam (đến năm 2010), đánh giá sự phát triển và đóng góp to lớn của ngành Dầu khí đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước như sau: "Suốt nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, ngành Dầu khí Việt Nam đã trở thành một tập đoàn kinh tế quan trọng, đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là trong giai đoạn xây dựng đất nước, ngành Dầu khí Việt Nam đã góp phần đưa đất nước ta thoát tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".