Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Tấn Hùng
Số trang: 532 trang
Giá: 116.000đ
Ở phương Tây, triết học phát triển vào khoảng thế kỷ thứ VI Tr.CN, bắt đầu từ Hy Lạp cổ đại. Từ triết học Hy Lạp cổ đại đến triết học cổ điển Đức là khoảng thời gian kéo dài trên hai ngàn năm. Các trào lưu triết học tiêu biểu trong khoảng thời gian này được chia thành các giai đoạn phát triển với những đặc điểm riêng. Triết học Hy Lạp cổ đại là nguồn gốc của triết học phương Tây được chia thành: thời kỳ trước Socrates, thời kỳ hoàng kim; thời kỳ sau Socrates, thời kỳ Hy Lạp hóa. Thời kỳ trung cổ ở phương Tây kéo dài hơn mười thế kỷ (từ thế kỷ IV đến thế kỷ XIV) là thời gian triết học bị thống trị bởi thần học. Thời kỳ phục hưng trong các thế kỷ XV, XVI là giai đoạn phục hồi của triết học. Triết học phương Tây tiếp tục phát triển rực rỡ trong thời cận đại bắt đầu từ thế kỷ XVII, được gọi là thời kỳ lý tính, sau đó sự phát triển của triết học mang một số đặc điểm riêng của mỗi dân tộc, như chủ nghĩa kinh nghiệm Anh, triết học khai sáng Pháp ở thế kỷ XVIII, triết học cổ điển Đức cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
Cuốn sách Lịch sử triết học phương Tây từ triết học Hy Lạp cổ đại đến triết học cổ điển Đức (History of Western philosophy from ancient Greek to classical German philosophy) gồm 11 chương, giới thiệu những kiến thức cơ bản về lịch sử triết học phương Tây từ triết học cổ đại Hy Lạp đến triết học cổ điển Đức, thường được gọi là triết học phương Tây trước Mác. Trên cơ sở kế thừa các giáo trình và công trình nghiên cứu về lịch sử triết học ở nước ta từ trước đến nay, tác giả cuốn sách cập nhật thêm những thông tin mới, những cách tiếp cận mới trong các sách và tài liệu nghiên cứu ở các nước phương Tây hiện nay.
Cuốn sách trình bày một cách có hệ thống và chọn lọc nguồn gốc hình thành và quan điểm cơ bản của các trường phái và triết gia phương Tây qua các thời kỳ lịch sử về các vấn đề bản thể luận, nhận thức luận, triết học đạo đức, triết học thẩm mỹ, triết học chính trị, triết học xã hội, v.v., ảnh hưởng và sự kế thừa về tư tưởng giữa các triết gia, các trường phái, những đóng góp và hạn chế của họ và ý nghĩa của các quan điểm của họ đối với triết học trong các thời kỳ tiếp theo và thời đại hiện nay.
Để có thể bắt tay vào nghiên cứu những nội dung cụ thể của từng thời kỳ lịch sử, từng trường phái và triết gia, người nghiên cứu trước hết cần phải nắm được các quan niệm truyền thống trong triết học phương Tây, như đối tượng nghiên cứu của triết học, vấn đề cơ bản của triết học và các trào lưu triết học đối lập nhau, các lĩnh vực nghiên cứu (chuyên ngành) của triết học, v.v.. Những vấn đề này được trình bày trong Chương mở đầu. Triết học Hy Lạp cổ đại vì có nhiều nội dung phong phú nên được phân ra thành bốn chương và trình bày theo trình tự lịch sử. Triết học thời kỳ trung cổ và thời kỳ phục hưng, mỗi thời kỳ được trình bày trong một chương. Triết học phương Tây thời kỳ lý tính ở thế kỷ XVII có đặc điểm là chủ nghĩa duy lý giữ vai trò chủ đạo cũng được trình bày thành một chương riêng. Sự phát triển tiếp theo của triết học phương Tây trong thế kỷ XVIII mang tính đặc thù của mỗi dân tộc được trình bày trong ba chương: chủ nghĩa kinh nghiệm Anh bắt đầu từ thế kỷ XVII và tiếp tục phát triển theo khuynh hướng duy tâm chủ quan ở thế kỷ XVIII, triết học khai sáng Pháp mang tính duy vật và tính cách mạng rất cao, nở rộ ở thế kỷ XVIII, và triết học cổ điển Đức phát triển mạnh ở nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX đóng vai trò tiền đề lý luận của triết học Mác.
Việc trình bày bằng song ngữ Việt - Anh của cuốn sách nhằm trang bị cho người nghiên cứu chiếc chìa khóa ngôn ngữ. Phần tham khảo bằng tiếng Anh chủ yếu được trích từ các giáo trình, các bách khoa toàn thư và tài liệu nghiên cứu về triết học của các tác giả ở các nước nói tiếng Anh với mục đích giúp cho người nghiên cứu triết học ở nước ta bước đầu làm quen với các thuật ngữ, cách diễn đạt các vấn đề triết học bằng ngôn ngữ tiếng Anh nhằm nâng cao trình độ đọc hiểu để rồi sau đó tiến tới khả năng tự mình có thể đọc được các tài liệu đó trên phạm vi rộng hơn.
Ngoài ra, cuốn sách còn có phần hướng dẫn cách tra cứu và địa chỉ các tài liệu tham khảo trên mạng internet nhằm giúp cho người nghiên cứu 8000 có thể sở hữu được một kho tư liệu vô cùng phong phú, đa dạng phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu về triết học.
Phạm Thị Thinh