Tác giả: Ủy ban Dân tộc
Số trang: 508 trang
Thông qua những tư liệu lịch sử, cuốn sách đã tái hiện khá đầy đủ, toàn diện, chân thực và hệ thống quá trình hình thành, phát triển về tổ chức và hoạt động của cơ quan công tác dân tộc. Từ một Nha trong Bộ Nội vụ năm 1946, sau 65 năm xây dựng và phát triển, Ủy ban Dân tộc đã trở thành cơ quan ngang bộ ở Trung ương với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, được quy định bằng nghị định của Chính phủ qua mỗi nhiệm kỳ; có hệ thống tổ chức tương đương cấp sở ở tỉnh, có phòng ở huyện thuộc các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc; có đội ngũ cán bộ không ngừng được bổ sung về số lượng và chất lượng, số cán bộ có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, cao đẳng,… ngày càng tăng.
Cuốn sách cũng phản ánh cụ thể những đóng góp chủ yếu của cơ quan công tác dân tộc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng qua các thời kỳ lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Ủy ban Dân tộc và hệ thống cơ quan công tác dân tộc qua các thời kỳ đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, góp phần cùng các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học bám sát địa bàn, nghiên cứu, đề xuất với Đảng và Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách cụ thể phù hợp với thực tế vùng đồng bào dân tộc, miền núi, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn; chỉ đạo thực hiện có kết quả những chủ trương, chính sách đã ban hành, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc.
Cùng với việc phản ảnh lịch sử hình thành, tổ chức và hoạt động của Ủy ban Dân tộc, cuốn sách còn rút ra những bài học kinh nghiệm về việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Hơn hết, nó cũng là biểu hiện cho lòng tri ân đối với các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Ủy ban Dân tộc và hệ thống cơ quan công tác dân tộc nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (3-5-1946-3-5-2011), đồng thời là tài liệu quý đóng góp cho công tác nghiên cứu lịch sử.