Tên sách: Mênh mông chật chội... (Tiểu luận-Phê bình)
Tác giả: Lại Nguyên Ân
Số trang: 464 trang
Khổ sách: 14 x 20,5 cm
Giá bìa: 76.000 VNĐ
Nhà xuất bản Tri thức, 2009
MÊNH MÔNG CHẬT CHỘI …
Tiểu luận-phê bình văn học
của tác giả LẠI NGUYÊN ÂN
Là cuốn tiểu luận-phê bình thứ tư trong đời văn của tác giả, cuốn sách MÊNH MÔNG CHẬT CHỘI … được chọn và tập hợp từ những bài viết riêng lẻ chưa đưa vào sách trong mươi năm trở lại đây, gồm một số cụm bài chính sau:
− Cụm bài tùy bút, trong đó tác giả trình bày những cảm nghĩ, trải nghiệm về không gian đô thị Hà Nội ở các khía cạnh văn hóa, nghệ thuật trong tương quan với đời sống con người, từ hoa cỏ đến cây cối, phố cổ và phố cũ, dòng sông với nhà cửa, phố xá, dinh thự,… đồng thời cũng nêu ý kiến với các giới quản lý và chuyên gia cũng như mỗi người dân về những điều cần làm trong tu bổ tôn tạo, nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị của những không gian đã thành truyền thống trên địa bàn Hà Nội.
− Cụm bài tiểu luận-phê bình, đề cập những vấn đề đang đặt ra trước mắt và lâu dài đối với văn hóa, giáo dục, văn nghệ Việt Nam, từ những vấn nạn của việc ồ ạt đào tạo sau đại học, những vấn đề của phê bình văn nghệ, của tổ chức hội đoàn văn nghệ, của cơ cấu ngành xuất bản, v.v… trước nhu cầu xã hội hóa thật sự các lĩnh vực này, để có thể phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Với những bài viết này, tác giả có lúc đã từng gây tranh luận trên báo chí, và có thể cũng còn gây tranh luận, với cuốn sách này.
Những bài viết của nhà phê bình Lại Nguyên Ân về các sáng tác của các nhà văn: Tô Hoài, Võ Thị Hảo, Đồng Đức Bốn … ngay khi các sáng tác ấy vừa ra mắt, trong tập sách này, có thể cũng đã hoặc sẽ gây hiệu ứng như vậy.
− Các cụm bài phản ánh hoạt động nghiên cứu của tác giả trong mươi năm gần đây mà xu hướng chung là tìm tòi, bổ sung cho những thiếu hụt về diện và về điểm trong sự nhận biết về văn học Việt Nam thế kỷ 20. Từ việc tìm hiểu ở khía cạnh lý thuyết đối với phạm trù chủ nghĩa hiện đại, tác giả vận dụng phân tích các hiện tượng từ gần đến xa, như việc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi năm 1949 ở Việt Bắc, xung quanh việc Nguyễn Bính làm báo “Trăn hoa”, ảnh hưởng thơ Tinh huyết của Bích Khê vào hướng phát triểnThơ Mới… Tác giả đưa người đọc trở lại với những hiện tượng bị quên lãng, từ nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa đến nhà phê bình Lê Thanh, hay mảng tiểu luận của nhà thơ Đông Hồ, hoặc tờ tuần báo “Bắc Hà” ở giữa Hà Nội, hoặc cả một cuộc thảo luận về việc soạn sách giáo khoa tiếng Việt ở báo chí Sài Gòn hồi 1929-30, v.v…
− Điểm nhìn chăm chú của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân là nhắm vào hai tác gia: Vũ Trọng Phụng và Phan Khôi. Trong tập sách này, mỗi bài viết chỉ soi rọi một điểm, một nét nào đó, nhưng là soi kỹ, soi chậm, đem lại cho bạn đọc hôm nay những điều nhận biết mới mẻ, thú vị về cuộc đời và văn nghiệp của hai tác gia này, − hai tác gia đã và vẫn đang là đối tượng tìm hiểu nghiên cứu biên khảo trong các công trình sắp tới của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
******
LỜI DẪN
Khi bắt tay tập hợp bài vở cho cuốn sách này, người viết thoáng nhớ lại tình cảnh tương tự của mình cách nay chừng mươi năm: chốc chốc lại phải xem những cái mình đã viết là viết về văn chương hiện tại hay về văn chương quá khứ, để đưa vào tập Sống với văn học cùng thời thay vì đưa vào tập Đọc lại người trước đọc lại người xưa, hoặc ngược lại.
Nhưng lần này tôi không muốn lặp lại cách làm hồi ấy. Tôi sẽ đưa những bài mình viết ra trong khoảng mười năm gần đây, dù về văn chương hiện thời hay trước kia, vào trong cùng một quyển sách. Tôi tin rằng, dấu ấn riêng của tay bút mình − nếu tay bút mình quả có dấu ấn riêng − trong cùng một khoảng thời gian, sẽ bộc lộ sự nhất quán của nó, ngay khi mình viết về những thứ khác nhau, của hiện tại hay của xa xưa.
Lấy một nửa tên một bài viết trong sách làm nhan đề chung, cuốn Mênh mông chật chội... này không nhắm tới một tính chặt chẽ hay nhất quán nào trong bố cục; tác giả cũng không gắng tách bạch những “tính” phê bình, “tính” nghiên cứu hay “tính” tiểu luận được thể hiện đậm hay nhạt trên từng bài viết.
Đối với người đọc cuốn sách này, tác giả chỉ lưu ý một điều: chỗ lý thú hay có ích của một bài cụ thể nào đó trong cuốn sách này, là độc lập với bài ở trước nó hoặc sau nó.
Tác giả mong rằng các bài đưa vào tập sách này, nếu không gây được lý thú thì cũng có ích cho bạn đọc.
Hà Nội, tháng Mười Một 2007
LẠI NGUYÊN ÂN
MỤC LỤC
- Lời dẫn
- Thăng Long-Hà Nội, một không gian cho những cấu tứ thơ văn
- Tùy bút về không gian Hà Nội
- Tản mạn về cây trong phố
- Mênh mông chật chội, chật chội mênh mông
- 45 phút xuất thần của ý thức văn học
- Vẫn trong vũ điệu của cái bô!
- Nhìn thẳng vào thực trạng
- Phê bình văn nghệ và đời sống xã hội
- Việc lớn trước mắt: chuyển các Hội Văn học nghệ thuật về đời sống dân sự
- Vẫn ăn bám thì không thể sống khỏe
- Tiểu thuyết và lịch sử
- Nhân đọc tiểu thuyết Ba người khác của Tô Hoài
- “Nhà quê” và thơ lục bát
- Một số vấn đề xung quanh phạm trù chủ nghĩa hiện đại
- Dấu hiệu “xung đột trường phái” trong cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi (Việt Bắc, 1949)
- Nguyễn Bính và tuần báo Trăm hoa (1955-1957)
- Tập thơ Tinh huyết của Bích Khê và giai đoạn phát triển thứ hai của Thơ Mới
- Lê Thanh (1912-1944) nhà phê bình và nghiên cứu văn học
- Công việc văn bản học đối với văn học Quốc ngữ
- Đào hoa mộng ký trong quan hệ với Truyện Kiều
- Đi tìm những tác phẩm đầu tay của Vũ Trọng Phụng
- Giới thiệu Vẽ nhọ bôi hề, một sưu tập tác phẩm Vũ Trọng Phụng của một nhà Việt học nước ngoài
- Về công tác tư liệu và văn bản trong việc xuất bản và nghiên cứu di sản của ngòi bút Vũ Trọng Phụng
- Vài tư liệu về việc Vũ Trọng Phụng bị gọi ra tòa năm 1932
- Chuyện phê bình sách Giông tố hay là: Vũ Trọng Phụng và hai tờ báo ở Sài Gòn 1937
- Tìm thấy lại bản in lần đầu (1937)
- tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng
- Một tờ tuần báo, mấy nhóm thơ văn
- Một cuốn truyện bị quên lãng suốt 70 năm qua
- Đông Hồ bàn về quốc văn
- Một cuộc thảo luận về sách giáo khoa tiếng Việt trên báo chí Sài Gòn 1929-1930
- Phan Khôi và cuộc thảo luận sử học năm 1928 trên Đông Pháp thời báo
- Liệu có thể xem Phan Khôi (1887-1959) như một tác gia văn học Quốc ngữ Nam Bộ?
- Một cách lý giải về sự học và về tình thầy trò
- Suy nghĩ từ hành trình khai quật quá khứ