Tác giả: Trung tướng, TS. Nguyễn Thới Bưng
Số trang: 236
Nằm ở những vị trí cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 136km về hướng tây nam, tỉnh Vĩnh Long là hình ảnh thu nhỏ của đồng bằng Sông Cửu Long bởi sự đa dạng, trù phú của vùng đất nằm giữa hai dòng sông lớn Cổ Chiên và Hậu Giang.
Vĩnh Long được khai phá từ năm 1732, bắt đầu dựng dinh Long Hồ. Năm 1813 đổi tên là Vĩnh Trấn. Đến năm 1832 mới chính thức trở thành tỉnh Vĩnh Long, với ba dân tộc chính là Kinh (97%), Khmer (2%), còn lại là người Hoa và các dân tộc khác.
Là vùng đất của những dòng sông, Vĩnh Long như là thế giới sông nước, với dấu ấn của những câu chuyện truyền thuyết về rắn thần Naga của Vương quốc Phú Nam vào thế kỷ thứ nhất. Những năm cuối của thế kỷ XX, Vĩnh Long càng trở nên có sức hút với công trình xây dựng cầu Mỹ Thuận - cây cầu treo dây văng lớn nhất Việt Nam lúc đó bắc qua sông Tiền, nối Vĩnh Long với Tiền Giang. Chính những dòng sông ngày đếm rì rầm tự sự cùng những cây cầu bắc qua như những dải lụa giữa trời, hay những khu vườn cây trái bốn mùa, không khí trong lành, mát mẻ quanh năm đã cuốn hút bao du khách về với miệt vườn, với thiên nhiên bao la, có gió rì rào trong hoa lá và lảnh lót tiếng chim trong những khu vườn cùng bao lễ hội tưng bừng như Chol Chnam Thmay (Tết mừng năm mới của người Khmer vào 15 tháng 4 dương lịch); Lễ Đôn ta (cúng ông bà từ 29 tháng 8 đến mùng 1 tháng 9 âm lịch); lễ Ok Om Bok và đua ghe ngo (lễ cúng trăng vào 15 tháng 10 âm lịch); lễ dâng bông, dâng Phước…
Vĩnh Long còn được biết đến như là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc (1945-1975), cũng như trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Vĩnh Long có bao người con tiêu biểu như Trần Đại Nghĩa (tức Phạm Quang Lê), Cục trưởng Cục Quân giới Việt Nam đầu tiên (1947), Anh hùng lao động (1952), Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam (1977-1980), Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam và Liên hiệp các Hội hoa học và kỹ thuật Việt Nam (1980-1983), Giáo sư - Viện sĩ khoa học (1986); Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam (1967-1976), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1987-1988); Võ Văn Kiệt - Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam (1973-1976), Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1992-1997), Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1997-2001)…
Sinh ra, lớn lến, chiến đấu và gắn bó với quê hương Vĩnh Long, từ cậu bé Nguyễn Hoàng Oanh, chàng trai Năm Liệt tới Nguyễn Ký Ức - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long - mảnh đất kiên cường bất khuất, sản sinh ra bao người con tận trung với nước, tận hiếu với dân, không ngừng rèn luyện, phấn đấu để làm rạng danh quê hương, đất nước.
Trong cuộc hành trình trên 10 ngàn ngày đêm giữ nước, với bao khúc quanh lịch sử, đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mỗi lúc cam go ở chiến trường Vĩnh Long đều có mặt Nguyễn Hoàng Oanh, rồi Nguyễn Ký Ức - cái tên được đặt sau một tổn thất lớn của Đảng bộ và phong trào cách mạng ở Vĩnh Long: cùng lúc cả ba đồng chí ở Thường vụ Tỉnh ủy hy sinh.
Người của đất là những trang hồi ức sống động của người Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long viết về một thời hào hùng với hai mùa kháng chiến trên đất Vĩnh Long - vũng đất giữa hai dòng sông. Với lối kể chuyện sâu lắng, hấp dẫn, Nguyễn Ký Ức đã dẫn dắt người đọc rất tự nhiên từ thời thơ ấu, gắn bó với quê hương Ngãi Tứ kiến cường, với cả vào thời điểm khó khăn sa vào tay giặc, rồi tranh đấu, vượt ngục bằng mưu trí để trở lại chiến trường Ngãi Tứ. Cho đến khi được lệnh tập kết, rồi sẵn sàng trở lại quê hương để bước vào cuộc đấu tranh đầy cam go. Nhưng đã biết dựa vào dân, dựa vào sự cưu mang của đồng bào Ngãi Tứ để lôi kéo binh lính Hòa Hảo về với nhân dân, thực hành vũ trang tuyên truyền vùng đồng báo có đạo để diệt ác ôn. Càng khó khan, nhân dân càng hết lòng bảo vệ Đảng. Nhờ đó mà có được Đồng khởi chuyển mình lịch sử ở Vĩnh Long, tiến tới chỉ đạo phá ấp chiến lược, phá âm mưu giành dân của địch, để nhân dân bám ruộng, bám vườn sản xuất và chiến đấu giữ làng; làm chỗ dựa cho lực lượng vũ trang bẻ gãy ba chiến thuật cơ bản của địch là gom dân lập ấp chiến lược với ưu thế của chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận, áp dụng cho một vùng chiến trường sông nước. Kẻ thù làm sao có thể thắng nổi sức mạnh của chiến tranh dân dân, mà đỉnh cao là Vĩnh Long Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968. Sau trận Mậu Thân 1968, đế quốc Mỹ vẫn không cam chịu, ngoan cố tiếp tục âm mưu dùng người Việt đánh người Việt bằng cái gọi là Việt Nam hóa chiến tranh. Thêm một lần nữa quân dân Vĩnh Long thực hiện khẩu hiệu bám trụ kiên cường, đem dân về tạo thế, tạo lực; chuyển phương châm, phương thức hoạt động. Trong đó không thể quên bài học cảnh giác cách mạng, dẫn đến một tổn thất rất đau thương cho phong trào cách mạng Vĩnh Long. Trả thù cho đồng đội, không gì hơn là phải trừng trị địch vi phạm Hiệp định theo truyền thống của dân tộc đem đại nghĩa thắng hung tàn khuếch trương thanh thé cách mạng. Nhờ đó, phong trào phát triển, đội ngũ cán bộ trưởng thành, hết cơn bĩ cực đến hồi thới lai, tiến thẳng đến Đại thắng mùa Xuân bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành toàn thắng.
Có thể nói mối trang hồi ức của Nguyễn Ký Ức không đơn thuần là lời tự sự mà thực sự là những trang biên niên lịch sử rất sống động về cuộc chiến tranh nhân dân địa phương chống Mỹ, cứu nước ở Vĩnh Long.