Tác giả: GS, TS. Trần Đức Hòe
Số trang: 264 trang
Giá tiền: 47.000đ
Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Trần Đức Hòe cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cứu chữa thương binh, bệnh binh. Cùng với tài năng và tâm huyết của mình, ông không chỉ chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân ở Việt Nam mà còn chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho những bệnh nhân ở nước ngoài. Với mục đích gửi gắm tất cả tâm tư, tình cảm và kinh nghiệm của một thầy thuốc với những năm tháng cống hiến hết mình cho sự nghiệp cứu chữa bệnh nhân, Bác sĩ Trần Đình Hòe đã cho ra đời cuốn Những ký ức và kinh nghiệm một đời thầy thuốc.
Cuốn sách ghi lại những năm tháng ông đã đi qua với những kỷ niệm không thể nào quên của cuộc đời mình. Đó là những dòng hồi tưởng, tâm sự về cuộc đời, về những kỷ niệm nghề nghiệp của tác giả. Cuốn sách là những sự kiện xảy ra trong ngày, mọi hoạt động của bác sĩ, những kinh nghiệm chuyên môn cũng như tất cả niềm say mê học hỏi để luôn nâng cao năng lực và bản lĩnh của người thầy thuốc với mong muốn làm sao không phụ lòng tin của những người thương binh, bệnh binh.
Với con mắt của người trong cuộc, những mẩu chuyện Bác sĩ Trần Đức Hòe kể lại đều là chuyện có thật, là những gì mà một người chiến sĩ quân y từng chứng kiến, trải nghiệm giữa những ngày tháng chiến tranh khốc liệt cũng như trong thời bình.
Từ một sinh viên của Trường đại học Y khoa ở vùng An toàn khu Việt Bắc, được cử đi phục vụ tại vùng địch hậu miền đồng bằng Bắc Bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đến khi trở thành một bác sĩ, một phẫu thuật viên đi phục vụ tại chiến trường Nam Lào trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trải qua những năm tháng ác liệt ở Trường Sơn, ở Hạ Lào với bao khó khăn, thiếu thốn, Bác sĩ Trần Đình Hòe đã có những bước trưởng thành vượt bậc trong nghề nghiệp.
Qua những câu chuyện, dòng hồi tưởng của mình cùng những lời kể chân tình, tác giả đã cho người đọc thấy sự gian khổ, khó khăn, tinh thần trách nhiệm, lòng yêu Tổ quốc, yêu thương con người hết mực của một lương y, như tác giả từng viết: “Nhiệm vụ của người cầm dao mổ, người phẫu thuật viên cho thương binh, bệnh binh, dù trong chiến tranh hay hòa bình là tìm mọi cách khắc phục khó khăn, trở ngại, vượt qua hiểm nguy để cứu chữa, mổ xẻ, săn sóc bệnh nhân, mang lại cuộc sống an lành cho họ. Niềm hạnh phúc nhất của người thương binh ở ngoài mặt trận là khi vết thương đã liền da, liền thịt, niềm vui rạng rỡ của người bệnh, của những người thân của họ, khi đón vợ, chồng hoặc con em mình từ bệnh viện trở về nhà cũng chính là niềm hân hoan, hạnh phúc của người thầy thuốc đã chữa trị cho họ.”