Bộ sách Lối sống này được soạn để tổ chức việc học của trẻ em ở trường phổ thông thay thế hoàn toàn cách dạy "Luân lý" hoặc "Đạo đức" trước đây.
Tại sao lại có sự thay đổi đó?
1. Khả năng cao nhất của cách dạy "đạo đức" là đưa ra được những lời khuyên. Song ngay cả khi có nguyên tắc đạo đức đúng nhất, thì vẫn còn lại vấn đề: nghe lời khuyên nhưng rồi có hành động theo không?
2. Lối sống là hành vi có ý thức hằng ngày của một con người. Những hành vi đó thể hiện quan niệm về đạo đức được chia sẻ với mọi người trong cộng đồng. Đó là một công trình rèn luyện lâu dài khởi động từ Nhà trường.
Môn học này cùng bộ sách này vì thế có thể được đặt tên rất dài là Sách hướng dẫn tổ chức hình thành lối sống hàng ngày cho trẻ em và đã được rút gọn thành Môn lối sống và kèm theo là Sách học lối sống.
Một lối sống mới cho trẻ em được hình thành theo một trục chính là năng lực sống đồng thuận. Đó là học để biết cùng tìm cách sống hòa hợp giữa cá nhân với cộng đồng và giữa các cộng đồng với nhau. Đó cũng là lối sống hàng ngày, ngay ngày hôm nay, từ lớp 1, và ý thức sống đó sẽ có tác động tới lối sống mai sau.
Cuốn sách gồm những phần: Em đã lớn: Giúp trẻ em tìm cách thể hiện rằng các em đã lớn; Em tự phục vụ: các em tự tổ chức công cuộc tự phục vụ của mình với sự đồng thuận của phụ huynh, của giáo viên, và của bản thân mình; Em tự học: tự giác, tự lực trong việc học và biết cách học, phù hợp với năng lực, sở thích riêng của mình.
Cuốn sách với các phương pháp học để hình thành lối sống ở trẻ mở ra hướng dạy và cách học cụ thể trong nhà trường hiện đại hoá: tổ chức cho học sinh tự tìm ra cách đi tìm lối sống có đạo đức.