Tổng quát
Sách học Văn này được soạn để dạy trẻ em khi bắt đầu đi học ở trường phổ thông, có thể dùng ở trường (giáo viên dạy học sinh) hoặc ở gia đình (phụ huynh dạy con em).
Xác định ngay từ khi trẻ em bắt đầu đi học, nhiệm vụ của việc học Văn là tạo ra ở trẻ em một NĂNG LỰC VĂN mà hạt nhân là sự đồng cảm với những tình cảm người biểu đạt bằng hình thức nghệ thuật.
Công cụ tạo ra ý thức đồng cảm đó là một Ngữ pháp nghệ thuật với các yếu tố chính là các thao tác tưởng tượng, liên tưởng, sắp xếp tác phẩm.
Phần “ngữ pháp” đó chỉ có ích nếu xây dựng trên nền tảng năng lực đồng cảm trước thân phận con người.
Đó là lý do bộ sách học Văn này mở đầu bằng Trò chơi đóng vai – dùng các trò chơi tưởng tượng để dạy trẻ em lòng đồng cảm với những cảnh ngộ khác nhau của con người.
Cấu tạo
Bài mở đầu – có tính định hướng, là một thứ tuyên ngôn về dạy Văn, cần cho người học (trẻ em) và cũng cần cả cho những người lớn khác trong xã hội (giáo viên, phụ huynh, các lực lượng khác). Tuyên ngôn rất ngắn gọn dẫn tới bài 1 mở đầu cho toàn bộ các bài ở lớp 1: những trò chơi đóng vai để huấn luyện lòng đồng cảm cho học sinh, mà thiếu lòng đồng cảm này, thì mọi “năng lực văn” đều vô ích.
Bài 1: Những cảnh ngộ đơn giản – loạt bài này là những cảnh đơn giản cho học sinh nhập vai: với cô quét rác đường phố, với người gánh nặng, với nguời ốm ở bệnh viện, với em bé đánh giày, với các bạn đi học qua cầu khỉ, với em bé làng chài, vv…
Bài 2: Những cảnh ngộ sâu xa – loạt bài này là những cảnh ngộ đã khó vào vai hơn, đòi hỏi giáo viên chuẩn bị kỹ hơn để học sinh bắt đầu tưởng tượng và đóng những vai “khó” hơn: với con người trong chiến tranh, con người trong cảnh lũ lụt, với bộ đội đảo xa …
Bài 3: Những cảnh ngộ xa xôi – loạt bài này bắt đầu đòi hỏi học sinh tưởng tượng xa hơn nữa: với những con người gửi trong các sản phẩm nghệ thuật khác (chủ yếu là tranh dân gian, phim hoạt hình), song cũng có cả những cảnh ngộ con người ở lục địa khác với những hoạn nạn khác…
Bài 4: Những cảnh ngộ trong tác phẩm nghệ thuật – loạt bài này bắt đầu đưa học sinh đến với con người không như là trong đời thực, mà qua diễn đạt của tác phẩm: những con người trong cổ tích, cả truyện dân gian Việt Nam và truyện dân gian nước khác,
Bài 5: Những cảnh ngộ theo thông tin từ báo chí – loạt bài này đưa trẻ em trở lại thực tại Việt Nam, thử thách sức đồng cảm và thử thách cả năng lực biểu hiện lòng đồng cảm qua những vai diễn do chính các em tạo ra từ gợi ý là những bài viết trên báo mạng hoặc báo in.
Buổi học cuối năm – là một cái mẫu về việc dạy học mà không cần cho điểm, Trong buổi học này, các em tự đánh giá năng lực văn của mình và cũng được thấy các bạn đánh giá năng lực văn đó. Việc đánh giá không do một thị hiếu của giáo viên áp đặt cho. Việc đánh giá được tiến hành như trò chơi cuối năm trong tập thể lớp, và chỉ có ba chuẩn: đúng, hay, rất hay…
Cách dùng sách
Cách dùng sách học Văn này rất dễ thực hiện cho giáo viên. Với mỗi tình huống trong một bài, người dạy dùng hình ảnh và câu chuyện kể ngắn gọn trong mấy câu đối thoại để học sinh nhớ, nhắc lại được, và sau đó thì từng cặp lên ”diễn” cho cả lớp xem. Tự các em sẽ thấy mình ở tốp sau thì cần diễn hay hơn tốp trước. Diễn xong, cũng không cần có lời bình hoặc rao giảng đạo đức.
Vậy là, khi thực hiện sách này – và cả những môn học khác nữa chứ không chỉ riêng môn Văn – yếu tố đảm bảo thành công là người dạy chỉ làm công việc tổ chức các việc làm của người học chứ không giảng giải nhồi nhét và bắt người học ghi nhớ máy móc.
Xin trân trọng giới thiệu.
Nhóm CÁNH BUỒM