Tác giả: PGS, TS. Trần Hậu Kiêm
Số trang: 192 trang
Giá tiền: 29.000đ
Nghiên cứu lịch sử của đạo đức học là nhằm chọn lọc, đánh giá và phê phán những di sản tư tưởng đạo đức của các thế kỷ đã qua thông qua cuộc đấu tranh giữa các quan điểm duy tâm hay duy vật. Trong thực tế, mỗi thời kỳ lịch sử nhất định, mỗi hình thái kinh tế lại hình thành các học thuyết mới về đạo đức học không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu hình thái tư tưởng tinh thần mà còn nghiên cứu nội dung khách quan của nó, đó là những quan hệ đạo đức hiện thực.
Nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập môn Lịch sử đạo đức học cho đông đảo học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học và đông đảo bạn đọc quan tâm, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Tập bài giảng Lịch sử đạo đức học của PGS, TS. Trần Hậu Kiêm.
Nội dung cuốn sách gồm những kiến thức cơ bản về quá trình hình thành đạo đức học qua các hình thái phát triển kinh tế - xã hội, từ xã hội chiếm hữu nô lệ, phong kiến, chủ nghĩa tư bản và bước đầu của chủ nghĩa cộng sản.
Đi sâu phân tích từng giai đoạn lịch sử xã hội từ công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa đến xã hội cộng sản, tính đặc thù của đạo đức học được thể hiện thông qua các phạm trù đạo đức học như: nghĩa vụ, hạnh phúc, lương tâm, cái thiện và cái ác và từ đó đề ra các nguyên tắc chuẩn mực hành vi của con người trong từng xã hội nhất định. Tuy nhiên, trên thực tế, nội dung đạo đức học trong từng xã hội không hoàn toàn giống nhau. Xã hội phát triển từ hình thức thấp lên hình thức cao, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đạo đức học cũng phát triển tiến bộ hơn và phân thành đạo đức học chuẩn mực, đạo đức học nghề nghiệp…
Trong xã hội có giai cấp, đạo đức học mang nội dung giai cấp. Giai cấp thống trị truyền bá những tiêu chuẩn đạo đức của giai cấp mình, dưới quy tắc, chuẩn mực chung cho toàn xã hội nhằm bảo vệ sự thống trị của giai cấp đó. Trong các giai cấp tiên tiến, đại biểu cho xu hướng tiến bộ của xã hội, bao giờ cũng có những quan niệm đạo đức tiến bộ. Khi giai cấp thống trị đã không còn là đại biểu cho xu hướng tiến bộ của xã hội nữa và trở thành giai cấp lỗi thời thì quan điểm đạo đức của giai cấp đó cũng trở nên lỗi thời. Xã hội xã hội chủ nghĩa, bước đầu của chủ nghĩa cộng sản, với mục tiêu giải phóng con người, giải phóng xã hội, nâng cao lòng yêu nước, phẩm giá con người, vì vậy bản thân nó đã mang ý tưởng đạo đức cao đẹp. Do vậy chủ nghĩa xã hội chính là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực.
Cuốn sách được kết cấu gồm bốn chương:
Chương I: Sự phát triển của tư tưởng đạo đức trong xã hội chiếm hữu nô lệ
Chương II: Đạo đức học xã hội phong kiến
Chương III: Đạo đức học trong xã hội tư bản
Chương IV: Quan điểm C.Mác, Ph.Ăngghen, và V.I. Lênin và cuộc cách mạng về đạo đức.